MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và những ảnh hưởng không nhỏ được thể hiện qua các con số lớn

04-07-2021 - 11:16 AM | Doanh nghiệp

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và những ảnh hưởng không nhỏ được thể hiện qua các con số lớn

Theo một khảo sát mới do Base.vn và FPT phối hợp thực hiện, trong hai tháng 5 - 6/2021 đã có hơn 45% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải hạn chế hoạt động và gần 9% phải tạm ngưng do những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4. Trong bối cảnh khó có thể đoán trước điều gì sẽ xảy đến tiếp theo, SMEs Việt Nam nên chuẩn bị kịch bản gì?

Cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid-19 chính thức quay trở lại Việt Nam lần thứ 4, một lần nữa gây ra nhiều hậu quả lên các hoạt động của doanh nghiệp. Một khảo sát của Base.vn phối hợp cùng FPT về Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4 đến hoạt động kinh doanh liên tục của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 5 - 6/2021 cho thấy các doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần này.

Kết quả khảo sát đã ghi nhận 271 doanh nghiệp có phản hồi hợp lệ thuộc 13 lĩnh vực khác nhau, gồm các doanh nghiệp đang ở trong khu vực giãn cách và cả các doanh nghiệp trong những khu vực được cho phép hoạt động bình thường.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và những ảnh hưởng không nhỏ được thể hiện qua các con số lớn - Ảnh 1.

Phần lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát là doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo kết quả khảo sát, hơn 45% doanh nghiệp đã phải hạn chế hoạt động một phần và gần 9% phải tạm ngưng hoàn toàn trước sự "đổ bộ" của cơn bão Covid-19 lần thứ 4. Còn trong trường hợp phải làm việc từ xa, có tới hơn 60% doanh nghiệp xác nhận rằng sẽ phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trong đó, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Dịch vụ ăn uống và Giáo dục - Đào tạo.

Đặc biệt, có khoảng 65% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động dưới nhiều hình thức khác nhau, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và những ảnh hưởng không nhỏ được thể hiện qua các con số lớn - Ảnh 2.

Kế hoạch vận hành từ xa và điều chỉnh nhân sự gây ra ảnh hưởng lớn đến cả doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên

Khi được hỏi về những kỳ vọng và dự đoán diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới, chỉ có 169 doanh nghiệp đồng ý tiết lộ thông tin. Trong đó, nếu không thể trở lại hoạt động bình thường trong hai tháng tới, 6.51% doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại được thêm tối đa 3 tháng nữa và hơn 21% có thể duy trì hoạt động thêm từ 3 - 6 tháng.

Cũng theo khảo sát trên, có đến gần 40% doanh nghiệp gặp rất nhiều hạn chế khi phải vận hành từ xa, hơn 20% lại phải đối mặt với những ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nhân lực do bệnh tật hoặc cách ly y tế.

Đồng thời, những người tham gia khảo sát cũng chia sẻ rằng gần 61% nhân sự của họ luôn ở trong tình trạng lo lắng về tương lai công việc, tinh thần làm việc bị xáo trộn. Hơn 96% doanh nghiệp gặp vấn đề trong việc gắn kết và quản lý nhân viên khi làm việc từ xa.

Những con số "biết nói" được công bố trong cuộc khảo sát trên phần nào đã cho thấy một thực trạng đáng báo động của SMEs Việt Nam, thể hiện "sức đề kháng" yếu ớt của nhiều doanh nghiệp khi đứng trước đại dịch, và sự loay hoay, bị động khi đối phó với khủng hoảng nói chung.

Từ góc nhìn của đơn vị cung cấp giải pháp quản trị cho doanh nghiệp, anh Trần Văn Viển - Đồng sáng lập, Giám đốc khu vực phía Nam của Base.vn chia sẻ: "Những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, du lịch, vận tải... đang nằm im thở khẽ vì không còn cách nào khác. Còn các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực bị ảnh hưởng ít hơn thì đã linh hoạt xoay chuyển sang mô hình kinh doanh mới mà cần ít hơn đến các điều kiện vật lý. Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong một bối cảnh với nhiều thách thức của quá trình toàn cầu hóa, thương mại hóa, chuyển đổi số và bây giờ là đại dịch Covid-19, do đó việc nhiều SME vẫn đang loay hoay là điều dễ hiểu".

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động kinh doanh liên tục: Giải pháp giúp SMEs vượt bóng đen Covid-19

Trao đổi về kịch bản ứng phó với Covid-19, anh Trần Văn Viển cho rằng:"Chúng ta đều không thể biết rằng đại dịch khi nào mới kết thúc và có quay trở lại thêm lần thứ 5, thứ 6… hay không. Chính vì thế, thay vì án binh bất động và chờ đợi cho đến khi sóng yên biển lặng, việc chủ động tìm giải pháp, tăng cường khả năng ứng nguy nắm cơ và chuẩn bị sẵn sàng những kịch bản ứng phó trong mọi tình huống là điều mà doanh nghiệp nào cũng cần lưu tâm".

Cùng với ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp có thể chuyển dần sang những mô hình kinh doanh không chạm, tận dụng một cách tối ưu "thị trường ảo" đang ngày càng được mở rộng, tư vấn và chăm sóc khách hàng thông qua các kênh giao tiếp online một cách tiện lợi và nhanh chóng, đảm bảo công việc kinh doanh không bị tắc nghẽn. Đặc biệt, nhờ phát triển các hoạt động trên nền tảng công nghệ, doanh nghiệp còn có thêm nhiều cơ hội để thu thập dữ liệu khách hàng và đưa ra những phương án giúp tối ưu trải nghiệm mua hàng.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và những ảnh hưởng không nhỏ được thể hiện qua các con số lớn - Ảnh 3.

Còn đối với các hoạt động quản trị nội bộ, ứng dụng công nghệ có thể tạo ra một môi trường - nơi tất cả các thành viên có thể làm việc được mọi lúc mọi nơi mà vẫn có sự trao đổi liền mạch và liên tục về thông tin. Lãnh đạo và quản lý dự án, phòng ban có thể dễ dàng phát hiện, xử lý vấn đề kịp thời và thậm chí là ký kết, phê duyệt đề xuất từ xa. Việc áp dụng công nghệ không chỉ là sự tiện lợi, mà còn mang lại sự chủ động cho doanh nghiệp trước bất kỳ biến động nào khác trong tương lai, giúp tối ưu cả nguồn lực, thời gian và tài nguyên.

Cũng theo khảo sát của Base và FPT, ngoài việc chuẩn bị chính sách làm việc từ xa cho nhân sự hay lên kế hoạch truyền thông nội bộ trong giai đoạn dịch bệnh, hơn 91% doanh nghiệp đã triển khai hoặc đang có kế hoạch triển khai công nghệ vào quá trình quản trị, vận hành.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và những ảnh hưởng không nhỏ được thể hiện qua các con số lớn - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp quyết định triển khai công nghệ như một kịch bản ứng phó với khủng hoảng

Cùng với Khảo sát về Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4 đến hoạt động kinh doanh liên tục, Base và FPT cũng đã nghiên cứu, phát triển và cho ra đời Quy trình xây dựng Kế hoạch Kinh doanh không gián đoạn với 3 tiêu chí Không chạm - Không gián đoạn - Không bị động. Bộ tài liệu này được kỳ vọng sẽ mang tới giải pháp kinh doanh và cách thức vận hành tối ưu cho doanh nghiệp, giúp hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh liên tục, vững vàng vượt khủng hoảng và xa hơn thế là thúc đẩy tăng trưởng.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên