Làn sóng đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, đây là thị trường có tiềm năng phát triển mạnh mẽ bởi cả nguồn cung lẫn sự tăng trưởng về sản xuất gia tăng. Mức tăng trưởng của ngành này ghi nhận trong quý 1/2019 đạt 12,8%.
Nhiều dự án công nghiệp gia nhập thị trường
Trong báo cáo tổng quan thị trường BĐS Tp.HCM quý 1/2019, Savills Việt Nam đã chỉ ra các dự án và giao dịch BĐS công nghiệp đang diễn ra trên thị trường. Cụ thể,
Tập đoàn TTI, Inc. (Mỹ) dự định thiết lập nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời và trung tâm nghiên cứu, phát triển tại khu Công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) với mức đầu tư 150 triệu USD.
Một đơn vị khác là nhà sản xuất linh kiện máy bay của Mỹ, Universal Alloy Corporatiion (UAC) đã bắt đầu xây dựng nhà sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ sunshise, giá trị 170 triệu USD tại Đà Nẵng.
Vào tháng 2/2019, một công ty của Hàn Quốc là Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nhà sản xuất giày dép trị giá 100 triệu USD tại khu công nghiệp Tân Phú. Đây là dự án FDI lớn nhất tại Đồng Nai.
TT BĐS công nghiệp có nhiều tiềm năng để phát triển
Ngoài ra, với khoản đầu tư 200 triệu USD, nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay đầu tiên tại Việt Nam - Hanwha Aero Engines (Hàn Quốc), đã bắt đầu vận chuyển sản phẩm vào tháng 1/2019.
Đánh giá về tiềm năng của BĐS công nghiệp, Savills nhận định, hiện mức độ tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp lên 12,8%, trong đó sản lượng ngành sản xuất vẫn tăng trưởng đều, trên mức 50 điểm. Đây là tiền đề để thị trường BĐS công nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng
Trong báo cáo quý, đơn vị này cũng chỉ ra, Hải Phòng là nơi có cơ hội lớn phát triển khu công nghiệp bởi những lợi thế nổi trội.
Thứ nhất, được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ: Hầu hết các khu công nghiệp tại Hải Phòng đều nằm trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, đây là 1 trong 15 khu kinh tế Việt Nam. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư trong việc hạn chế trì hoãn giải phóng mặt bằng và cấp phép đầu tư.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng phát triển: Hải Phòng ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng theo hình thức PPP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng biển và các cơ sở hạ tầng thương mại. Tính đến quý 1/2019 Hải Phòng đã có 32 cảng biển trong đó có 4 cảng biển quốc tế và 1 cảng biển nước sâu (Tân Vũ -Lạch Huyện). Một số dự án tương lai bao gồm Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Cầu Vũ Yên 1. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chấp thuận hơn 268 triệu USD để tài trợ cho 11 dự án cơ sở hạ tầng đường bộ quan trọng sẽ được thực hiện trong năm 2019 và 2020.
Hải Phòng, Bắc Ninh dẫn đầu nguồn cung bất động sản công nghiệp phía Bắc
Thứ ba, thị trường khu công nghiệp tại Hải Phòng là một trong những thị trường dẫn đầu tại khu vực phía Bắc. Tính đến quý 1/2019, Hải Phòng có 11 khu công nghiệp, cung cấp xấp xỉ 2.700ha diện tích đất cho thuê, chiếm khoảng 57% tổng diện tích. Quận Hải An là khu vực năng động nhất , chiếm 64% tổng diện tích đất công nghiệp ở Hải Phòng, tiếp đến là quận/huyện An Dương, Thủy Nguyên và Đồ Sơn. 5 khu công nghiệp đã được lấp đầy hoàn toàn với giá thuê dao động từ 730US/m2 đến 135USD/m2.
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2020 và tầm nhìn 2025, Hải Phòng sẽ có 12 cụm công nghiệp mới vào năm 2020, cung cấp thêm 1.080ha và công suất dự kiến đạt 70%. Đến năm 2025, quy mô đất công nghiệp sẽ tăng thêm 1.377 ha và công suất dự kiến đạt 80-90%. Theo Cục Đầu tư nước ngoài năm 2018, Hải Phòng đã thu hút 3 tỉ USD vốn đăng kí FDI, xếp thứ 3 toàn quốc.