MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng FDI vào Việt Nam: (Bài 1) Vốn "khủng" ngay từ đầu năm

Làn sóng FDI vào Việt Nam: (Bài 1) Vốn "khủng" ngay từ đầu năm

Khôi phục chính sách thị thực để mở cửa đón du khách quốc tế không chỉ mang lại tín hiệu tích cực cho ngành du lịch, mà còn là cơ hội đón làn sóng FDI vào Việt Nam thuận lợi hơn.

Chính sách nhất quán cho doanh nghiệp FDI

Hơn hai năm chịu tác động bởi đại dịch bệnh COVID-19, mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam, song tỷ lệ vẫn chỉ đạt được ở mức khiêm tốn khi đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần (M&A) bị hạn chế rất lớn từ việc các nhà đầu tư tới Việt Nam để đàm phán, ký kết các thương vụ.

Tuy nhiên sang năm 2022, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, từ đầu năm đến nay, Việt Nam thu hút gần 5 tỷ USD vốn FDI, dù con số này bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch. Trong đó vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4 điểm % so với tháng 1/2022. Đáng chú ý, sau ngày 15/3 các chính sách thị thực được nới lỏng, sẽ là điều kiện quan trọng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam.

Làn sóng FDI vào Việt Nam: (Bài 1) Vốn khủng ngay từ đầu năm - Ảnh 1.

Dự án khu công nghiệp VSIP Hải Phòng.


Đánh giá về triển vọng thu hút doanh nghiệp FDI thời gian tới, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, các nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng với nhiều tiềm năng, cơ hội, trước mắt là về các dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc đầu tư tăng thêm.

Một số nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu, thăm dò về thị trường Việt Nam từ trước và vẫn ra quyết định đầu tư dù trong bối cảnh dịch bệnh. Đơn cử như Tập đoàn LEGO khởi công nhà máy mới rộng 44 ha tại tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD, đây là dự án FDI có số vốn lớn nhất từ Đan Mạch tại Việt Nam.

Hoặc mới đây tại Bắc Ninh, Dự án sản xuất chất bán dẫn của Amkor (Hàn Quốc) đã được đầu tư tại tỉnh này. Đây cũng là dự án do vướng các thủ tục nhập cảnh nên phải tới đầu tháng 11/2021, các lãnh đạo của Amkor mới tới Việt Nam để ký kết thỏa thuận phát triển Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II, với quy mô 1,6 tỷ USD. Vốn đầu tư giai đoạn I của Dự án là 520 triệu USD, dự kiến giải ngân trong vòng 5 năm và phần vốn đầu tư còn lại sẽ được đầu tư đến năm 2035.

Làn sóng FDI vào Việt Nam: (Bài 1) Vốn khủng ngay từ đầu năm - Ảnh 2.

Nhiều tập đoàn lớn đầu tư sản xuất thiết bị điện tử, chất bán dẫn tại Việt Nam.


Ngoài ra không thể nhắc đến thành phố Hải Phòng, là địa phương thu hút nguồn vốn doanh nghiệp FDI vào đầu tư luôn đứng top đầu miền Bắc. Cụ thể hai tháng đầu năm 2022, thành phố Hải Phòng đã thu hút 305,66 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 38,25% so với cùng kỳ, đạt 12,22% kế hoạch.

Nổi bật nhất là các dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam, Usi Việt Nam, Tesa Site Việt Nam. Trong đó, Pegatron Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy với tổng vốn 500 triệu USD để sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch tại Lô CN 3B, Khu công nghiệp Deep C 2A.

Nhà máy sản xuất băng dính Tesa Hải Phòng tại Lô CN 2A, Khu công nghiệp Deep C 2B có vốn đầu tư 55 triệu euro, được chia làm 2 giai đoạn, sản xuất 40.000.000 m3 băng dính mỗi năm. Dự kiến nhà máy sản xuất sẽ khánh thành vào quý I/2023, sau đó sẽ đi vào giai đoạn vận hành chạy thử và thử nghiệm ban đầu. Đến quý I/2024, Tesa sẽ chính thức đưa nhà máy vào hoạt động.

Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Universal Scientific Industrial (USI) Việt Nam tại Lô CN4.1H, Khu công nghiệp DEEP C có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, sản xuất bảng mạch điện tử của các thiết bị đeo (đồng hồ, điện thoại, tai nghe) để cung cấp cho các thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới.

Đặc biệt các doanh nghiệp FDI trên còn xây dựng hai dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên, người lao động có sức chứa khoảng 14.000 công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam và Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai dự án xây dựng nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam và Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải tại thời điểm này là sự kiện hết sức ý nghĩa trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Làn sóng FDI vào Việt Nam: (Bài 1) Vốn khủng ngay từ đầu năm - Ảnh 3.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm nhà máy Pegatron Việt Nam.


Bên cạnh đó còn có rất nhiều nhà đầu tư FDI lớn gần đây đã liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam như Tập đoàn Sam Sung và Goertek. Đầu năm nay, Samsung đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD vào Nhà máy Samsung Điện cơ (SEMV), qua đó nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên trên 19 tỷ USD, tăng gấp hơn 28 lần so với cam kết ban đầu (670 triệu USD) hồi năm 2008, tiếp tục khẳng định vị thế nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, trong kế hoạch phát triển của mình, Samsung sẽ từng bước đưa Việt Nam không chỉ trở thành cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu, mà còn là trung tâm chiến lược về R&D của Tập đoàn.

Với Goertek đây là nhà sản xuất thứ cấp cho nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới, trong đó có Apple. Vào đầu năm nay, sau khi tăng vốn thêm 400 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư của nhà máy ở Nghệ An lên 500 triệu USD, Goertek cũng đã tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm hơn 300 triệu USD cho Nhà máy Chế biến thiết bị điện tử, các sản phẩm âm thanh đa phương tiện ở Bắc Ninh. Thêm khoản vốn đầu tư này, dự án của Goertek tại Bắc Ninh có vốn đầu tư 565,7 triệu USD. Goertek chính là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm Airpods cho Apple tại Việt Nam và đóng góp không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Qua đó cho thấy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn không ngừng chảy, dù có chậm hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19. Nhưng chắc chắn, Việt Nam sẽ là quốc gia thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022. FDI sẽ tiếp tục là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất công nghệ, thiết bị điện tử, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài 2: Chính sách cho doanh nghiệp FDI

Theo Phương Thanh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên