MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần thứ 4 gặp Thủ tướng, Tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới khẳng định một điều quan trọng

Người sáng lập doanh nghiệp Trung Quốc thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu đã có buổi làm việc với Thủ tướng tối 9/12.

Thủ tướng tiếp đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn Trung Quốc

Tối 9/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp, làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn dòng họ Nghiêm, dòng họ Trang từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. 

Lần thứ 4 gặp Thủ tướng, Tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới khẳng định một điều quan trọng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp, làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn dòng họ Nghiêm, dòng họ Trang từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Nghiêm Giới Hòa là người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Năm 2023, Tập đoàn Thái Bình Dương đạt doanh thu gần 80 tỷ USD. Đây là lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp doanh nhân này.

Đón chào ông Nghiêm Giới Hòa và lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những hợp tác thời gian qua cũng như những đề xuất hợp tác thời gian tới của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương trong phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam.

Lần thứ 4 gặp Thủ tướng, Tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới khẳng định một điều quan trọng- Ảnh 2.

Ông Nghiêm Giới Hòa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao như: Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia các dự án lớn như xây dựng cầu Tứ Liên (Hà Nội), cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng, tuyến đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc (Hà Nội), tuyến metro hoặc đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và sân bay Long Thành (Đồng Nai); cũng như các tuyến đường sắt xuyên biên giới (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Quảng Ninh - Hải Phòng)…

Lần thứ 4 gặp Thủ tướng, Tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới khẳng định một điều quan trọng- Ảnh 3.

Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng tình cao với những ý kiến của Thủ tướng, nhất là về tinh thần cống hiến, ông Nghiêm Giới Hòa và các đại biểu cho biết sẽ tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia vào các lĩnh vực, dự án mà Thủ tướng đề cập, cam kết sẽ triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và giá thành hợp lý, "đẹp nhất, rẻ nhất, tốt nhất, nhanh nhất"; đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan việc triển khai hợp tác, đầu tư. 

Đáng chú ý, ông Nghiêm Giới Hòa khẳng định các tập đoàn tin tưởng Việt Nam, coi Việt Nam là quê hương thứ hai, chung bước với Việt Nam phát triển.

Các dự án lớn mà Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc nghiên cứu có gì?

Cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi

UBND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bằng vốn đầu tư công (theo hướng hợp đồng EPC). Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân công Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn làm việc với doanh nghiệp để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai xây dựng.

Lần thứ 4 gặp Thủ tướng, Tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới khẳng định một điều quan trọng- Ảnh 4.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn được giao làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup thống nhất phương án xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai. Ảnh phối cảnh cầu Tứ Liên

Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 11,5 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Tứ Liên là cây cầu dây văng thứ 2 (sau cầu Nhật Tân) được xây dựng tại Thủ đô. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào cuối năm 2025.

UBND TP Hà Nội cũng đã thống nhất chủ trương xây dựng cầu Ngọc Hồi bằng vốn đầu tư công. Với chiều dài 13.8 km, quy mô 6 làn xe chạy. Dự án cầu Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng được đầu tư lên tới 4.880 tỷ đồng, sau khi công trình này được hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ giúp kết nối thuận tiện các vùng kinh tế ở khu vực phía Bắc.

Đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc 

Tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc có chiều dài 38,43km, trong đó có 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dọc tuyến đường sắt đô thị có 21 ga và 2 khu depot.

Lần thứ 4 gặp Thủ tướng, Tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới khẳng định một điều quan trọng- Ảnh 5.

Dự kiến tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc sẽ dài gần 39km

Tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 khoảng 65.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), dự kiến huy động từ năm nguồn gồm: Vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 15.000 tỷ đồng); tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng).

Đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành

Tại cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: “Tôi đề nghị nghiên cứu đường sắt hoặc tàu điện ngầm kết nối giữa 2 nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất bằng con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất”, Thủ tướng lưu ý việc này đã nhắc lần thứ 3.

Do đó, ông yêu cầu việc hoàn thành hướng tuyến, khả năng đầu tư… kết nối giữa 2 sân bay này sớm, đảm bảo trình trong quý 1/2025 tới.

Đường sắt xuyên biên giới kết nối với Trung Quốc

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường 1.435 mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng. Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Lần thứ 4 gặp Thủ tướng, Tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới khẳng định một điều quan trọng- Ảnh 6.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ đóng góp vào sự phát triển của khu vực phía Bắc mà còn hỗ trợ tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội) có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm. Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội.

Tuyến Hạ Long - Móng Cái - Hải Phòng hứa hẹn góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ thành phố Cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng giáp biên giới với TP Móng Cái (Quảng Nịnh). TP Móng Cái sẽ là trung tâm kết nối của tuyến đường sắt nối liền Việt - Trung.

Thái Hà

Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên