Lãnh đạo Bộ GTVT nói về cao tốc Bắc - Nam: Chúng tôi đề nghị chỉ định thầu
Thứ trưởng Nguyễn Nhật, người phụ trách chương trình cao tốc Bắc-Nam của Bộ GTVT cho hay, sẽ tiếp thu góp ý không nên chỉ định nhà đầu tư, có biện pháp giảm chi phí vận tải và ổn định chính sách cho nhà đầu tư.
- 07-11-2016Đề xuất xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Hay nhưng chưa phải lúc
- 26-10-2016Cân nhắc kỹ nguồn vốn 230.000 tỷ đầu tư cao tốc Bắc-Nam
- 25-10-2016Đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Cần thiết và khả thi?
Giảm phí cho vận tải để kích thích sản xuất
Thưa ông, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, chi phí vận tải hiện tại chiếm đến 20% giá thành sản xuất hàng hóa. Việc tập trung làm đường bộ như cao tốc Bắc – Nam sẽ tiếp tục giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ông có ý kiến gì về điều này?
Việc giảm chi phí là chủ trương của Bộ GTVT lâu nay và chúng tôi đã lập đề án để giảm chi phí này 20-25% thấp hơn nữa bằng mặt bằng chung của các nước. Chúng tôi đang quyết liệt triển khai đề án đó bằng các kế hoạch cụ thể như kết nối các phương thức vận tải, tổ chức sàn giao dịch vận tải hàng hóa, hiện đại hóa khâu xếp dỡ tại cảng.
“Chúng tôi xin nói rõ, phần đóng góp 40% của Nhà nước không phải trải đều trên các đoạn tuyến. Chẳng hạn đoạn Ninh Bình – Nghệ An có nhu cầu đi lại cao, hấp dẫn nhà đầu tư, mức đóng góp của Nhà nước chỉ dưới 20%. Có đoạn lưu lượng thấp, Nhà nước đầu tư cao hơn, thậm chí 100%” .
Thứ trưởng Nguyễn Nhật
Để làm điều đó, chúng tôi xác định, vận tải hàng hải, đường thủy hay đường sắt không thể tiếp cận được mọi khu công nghiệp. Không phải hàng hóa nào cũng có thể đi được bằng đường biển, đường sông hay đường sắt mà đều có phân khúc cho các loại hình vận tải. Trong đó, đường bộ vẫn là phương thức tối ưu, dễ tiếp cận các khu công nghiệp, công trường, đô thị nhất.
Xét trong nội bộ phương thức vận tải đường bộ thì cao tốc có ưu điểm hơn quốc lộ về cách tính phí. Chẳng hạn, QL 1A áp dụng thu phí hở (đi chặng dài hay ngắn nhưng khi qua trạm thu phí, các phương tiện phải trả phí như nhau - PV) còn cao tốc thu phí từng km nên không sòng phẳng, chặt chẽ.
Các tính toán của Bộ GTVT cho thấy, QL 1A hiện là đường hỗn hợp, nếu không làm cao tốc, đến năm 2020 sẽ bị kẹt xe. Vì thế, nếu làm đường cao tốc, dành riêng cho ô tô thì giá thành vận tải sẽ giảm, vì đi nhanh hơn. Ví dụ, từ Hà Nội vào TP Vinh trước đây hết 7 giờ, giờ hết 5 giờ, sau này cao tốc chỉ 3-4 giờ sẽ rất tiết kiệm thời gian, chi phí.
Với mức phí của cao tốc như hiện nay, khó có thể nói chi phí logistic sẽ giảm. Thực tế, nhiều tuyến cao tốc chủ yếu là xe con, xe khách. Trong khi xe tải – loại hình kích thích sản xuất lại rất vắng vì phí đắt thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Nhật, người phụ trách chương trình cao tốc Bắc-Nam của Bộ GTVT.
Bộ GTVT sẽ nghiên cứu giảm giá, giảm chi phí cho xe tải, xe khách đi trên cao tốc. Điều này được chúng tôi rút kinh nghiệm từ thu phí QL 1A và các cao tốc, đặc biệt là cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Việc ngân sách tham gia 40% vào tổng vốn đầu tư là điều kiện để Nhà nước đàm phán với các nhà đầu tư cao tốc về điều này.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp giảm phần đầu tư của ngân sách. Bộ GTVT có giải pháp nào để đáp ứng đề nghị này?
Như đã nói, mức đóng góp hơn 40% tổng mức đầu tư của Nhà nước nhằm giảm thời gian và mức phí đối với chủ phương tiện. Muốn giảm phần đóng góp của Nhà nước chỉ có cách tăng phí và kéo thời gian thu phí. Như vậy sẽ không đạt mục tiêu kích thích phát triển kinh tế; thời gian hoàn vốn dự án sẽ hơn 20 năm và không có nhà đầu tư nào dám tham gia. Giải pháp cuối cùng để giảm đóng góp của Nhà nước là xây dựng một số đoạn chậm lại. Điều đó, buộc chúng ta phải phá vỡ quy hoạch đến năm 2020 phải có 2.000 km đường cao tốc mà Chính phủ đã phê duyệt.
“Đấu thầu tất nhiên minh bạch”
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Điều này khiến các chuyên gia và đại biểu phản ứng rất gay gắt. Xin ông cho biết, cơ sở nào để Bộ GTVT đề xuất chỉ định nhà đầu tư?
Sau khi có dư luận, các đại biểu góp ý, chúng tôi sẽ sửa lại. Lý do đề xuất nội dung này là Bộ GTVT có trách nhiệm trình hết các phương án. Nếu Bộ không đề nghị phương án chỉ định nhà đầu tư như QL 1A vừa qua thì sẽ có người có ý kiến rằng, phương án chỉ định thầu nhanh hơn, vì sao không đề xuất.
Còn sau khi đề xuất, Chính phủ sẽ lấy ý kiến các bộ ngành có quyết cho chỉ định nhà đầu tư hay không. Bộ không nặng về chỉ định nhà đầu tư, nhưng không thể đưa ra một phương án lên Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ định nhà đầu tư sẽ phát sinh ra lợi ích nhóm. Là người phụ trách dự án cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT, cá nhân ông nghiêng về đấu thầu hay chỉ định nhà đầu tư?
Đấu thầu tất nhiên minh bạch, công khai hơn. Bộ không thiên lệch, khăng khăng muốn chỉ định nhà đầu tư. Chúng tôi đề nghị Chính phủ phương án chỉ định thầu, vì phương án này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại về chính sách, ứng xử của cơ quan nhà nước khi thực hiện dự án. Như dự án QL 1A đoạn Vinh - Hà Tĩnh, khi thực hiện dự án, chính quyền không có ý kiến, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đây lại yêu cầu nhà đầu tư dời trạm thu phí.
Những nội dung trong quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư đang được chúng tôi sửa và kiến nghị Chính phủ thay đổi sau một thời gian áp dụng. Như dự án tại Nghệ An - Hà Tĩnh đã được ký, đã làm phải chấp nhận, không thể thay đổi được, bởi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định rồi. Thay đổi liên tục, nhà đầu tư nào tin nữa để đầu tư?
Cảm ơn ông!
Tiền phong