MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo Camimex Group: "Tồn kho chính là lợi thế trong mùa dịch"

22-04-2020 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Đại dịch Covid 19 khiến nhiều doanh nghiệp tồn kho tăng cao, khó khăn trong hoạt động. Tuy nhiên, với Camimex, tồn kho lại là lợi thế. Ông Đặng Ngọc Sơn - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Camimex đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Camimex Group mới công bố BCTC Q1/2020, theo đó hàng tồn kho thuần của công ty tăng từ 580,8 tỷ lên 627,7 tỷ. Đã có ý kiến cho rằng tồn kho này khá cao, giống như "quả bom nổ chậm" với doanh nghiệp. Xin ông cho ý kiến về vấn đề này?

Trong một lần phỏng vấn gần đây với truyền thông, tôi cũng đã đề cập vấn đề này. Tồn kho cao mà không có hợp đồng và thời hạn tồn quá lâu thì đúng là "bom nổ chậm" thật. Tuy nhiên tồn kho cao mà có hợp đồng đầu ra đã ký lớn, sẵn sàng giao hàng như đã cam kết với khách hàng (khi Camimex tăng năng lực sản xuất kinh doanh sau đầu tư cải tạo xong các nhà máy, cái mà đã rất nhiều năm Camimex không thể thực hiện giao hàng đầy đủ theo thỏa thuận khiêm tốn với khách hàng) thì lại là tồn kho tốt, là "mỏ vàng" của doanh nghiệp. Camimex thuộc trường hợp thứ hai này. Đầu quý IV hàng năm là thời điểm công ty sẽ xem xét ký kết, thỏa thuận với khách hàng về các đơn hàng sẽ giao trong năm tới (2020).

Camimex với hệ thống khách hàng mạnh ở châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ phân phối sản phẩm nhập khẩu từ Camimex vào các cửa hàng, chuỗi siêu thị của họ và thường có kế hoạch dài hạn (sẽ mạnh từ cuối quý I đến cuối quý IV) và thường là các đơn hàng lớn, đơn hàng nguyên năm. Ngay khi thỏa thuận được đơn hàng của năm 2020, cùng với nhà xưởng được nâng cấp, hệ thống kho lạnh đã được đầu tư cải thiện mới đi vào hoạt động, Camimex đã tăng cường sản xuất trước cho các đơn hàng này để chủ động giao hàng trong năm 2020 cho các đơn hàng đã ký.

Đó là lý do tại thời điểm mang tính cục bộ sẽ thấy tồn kho cao điển hình như cuối năm 2019 là vậy. Đầu năm 2020, công ty cũng vẫn mua sản xuất mạnh cho các đơn hàng này trong tình hình giá nguyên liệu giảm mạnh. Tuy nhiên sau diễn biến bất thường tình hình dịch bệnh Covid-19 nên các khách hàng điều chỉnh lại kế hoạch giao hàng, chậm lấy hàng ngay từ trong tháng 3/2020 mà chuyển qua đầu tháng 4.

Do đó tồn kho Quý 1/2020 vẫn cao, tôi khẳng định lại là tồn kho này là tồn kho tốt, có hợp đồng đầu ra với giá bán lý tưởng bởi phân khúc sản phẩm chiến lược, đặc thù chỉ có của Camimex. Ngay từ đầu tháng 4 này, khách hàng đã tăng cường mạnh việc nhận hàng.

Dự kiến tháng 4/2020 xuất khẩu được hơn 6 triệu USD, tăng gần 75% so với 3.5 triệu USD của tháng 4 năm 2019, mặc dù còn có thể giao thêm do yêu cầu hối thúc của khách hàng, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh các hãng tàu vận chuyển quốc tế đang cắt giảm chuyến sẽ hạn chế nhiều trong cho việc book tàu giao hàng. Theo dự kiến tháng 5 xuất từ 7-8 triệu USD, tháng 6 dự kiến xuất 8 triệu USD, tăng 60-70% so với tháng 5, 6 cùng kỳ năm ngoái 2019.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty nhiều không thưa ông?

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới rất nhiều doanh nghiệp, Camimex cũng không ngoại lệ. Một số đơn hàng đã giãn kế hoạch giao hàng sang Q2 khiến công ty phải lưu kho lâu hơn, làm tăng chi phí của Công ty và có thể làm giảm lợi nhuận tạm thời.

Nhưng dù vậy thì doanh thu của Camimex vẫn tăng 100 tỷ so với cùng kỳ, từ 185 tỷ lên 285 tỷ, mức tăng hơn 50% (Do tăng năng lực sx như đã nói ở trên, nếu không ảnh hưởng dịch thì khả năng sẽ còn tăng rất nhiều). Đây là mức tăng rất tốt so với mức cùng ngành (nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm doanh số nghiêm trọng, từ 30-50%).

Tuy nhiên mức lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1 năm nay chỉ đạt 17,01 tỷ, tương đương với cùng kỳ năm trước (16,95 tỷ). Do dịch bệnh nên một số chi phí tăng cao vì một số hoạt động liên quan bị hạn chế. Thêm nữa, công ty cũng tăng cường thu mua tạm trữ hỗ trợ bà con nông dân với mức giá tốt để họ có lợi nhuận, tiếp tục thả nuôi vụ kế tiếp.

Chính vì thế mà tỷ suất lợi nhuận trên doanh số giảm. Nhưng bù lại, công nhân có thêm việc làm, công ty tăng thêm được doanh số, người nông dân an tâm sản xuất vì có doanh nghiệp đồng hành. Trong mùa dịch này, vấn đề an sinh xã hội, ổn định phải đặt lên hàng đầu chứ không chỉ là tỷ suất lợi nhuận. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số với mức lợi nhuận phù hợp chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận quá cao trong những tình huống như này.

Một số khách hàng lớn của công ty ở châu Âu, đã viết thư cho Camimex, đề xuất công ty tiếp tục thu mua hỗ trợ bà con nông dân, họ sẽ cùng Camimex tiếp tục đồng hành với người nuôi. Vì chính bản thân họ cũng lo ngại không có hàng để bán khi dịch bệnh qua đi.

Chính quyền và các ban ngành cũng hối thúc, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục thu mua nguyên liệu, sản xuất tạm trữ, hỗ trợ nông dân.

Như vậy là Camimex không đơn độc trong mùa dịch này, khách hàng cam kết mua hàng, các ban ngành ủng hộ tăng cường mua tạm trữ, chính phủ có những chính sách hỗ trợ. Chính vì thế mà tồn kho của Camimex là tồn kho tốt chứ không phải "quả bom nổ chậm".

Tình hình dịch bệnh này, nhiều doanh nghiệp có giảm mạnh doanh số, nhưng Camimex chắc chắn sẽ tăng trưởng doanh số hơn năm trước, dự kiến mức tăng trưởng từ 30-40% trở lên. Nếu có đủ nguồn lực cho việc thu mua tạm trữ để có sẵn hàng giao sau khi dịch bệnh trên thế giới lắng xuống (theo tôi khoảng từ 4-6 tháng nữa), thì mức tăng trưởng còn nhiều hơn nữa.

Lãnh đạo Camimex Group: Tồn kho chính là lợi thế trong mùa dịch - Ảnh 1.

Tình hình dịch Covid-19, Camimex có đề xuất gì không?

Dịch bệnh khiến cả thế giới bị ảnh hưởng, là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ai cũng muốn một môi trường kinh doanh thuận lợi, nhất là trong mùa dịch này. Chính phủ, các ban ngành cũng đã rất nhanh nhạy, đưa ra các chính sách để tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Chúng tôi cũng rất mong các chính sách, ưu đãi sớm thực thi để doanh nghiệp đỡ bớt khó khăn. Camimex hoạt động trong ngành tôm, là ngành mà tỷ trọng nguyên liệu chiếm tới 80% chi phí giá thành nên vốn lưu động cần rất lớn và là ngành sử dụng nhiều lao động, có liên quan nhiều tới bà con nông dân nên trong những lúc như thế này cũng rất cần nhà nước, các ngân hàng tăng cường hỗ trợ vốn vay để Công ty có thêm nguồn lực thu mua nguyên liệu cho người dân ổn định sản xuất, giữ vững an sinh xã hội tại địa phương, vừa có nguồn cung đảm bảo giao hàng cho khách khi dịch đi qua.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên