MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo VinBigdata, VinAI chỉ ra yếu tố đặc biệt giúp doanh nghiệp AI Việt đuổi kịp các 'ông lớn' ở Thung lũng Silicon

Lãnh đạo VinBigdata, VinAI chỉ ra yếu tố đặc biệt giúp doanh nghiệp AI Việt đuổi kịp các 'ông lớn' ở Thung lũng Silicon

"Chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu có thể xây dựng phòng nghiên cứu về AI đẳng cấp ngay tại Việt Nam hay không. Ban đầu tôi cũng không biết phòng nghiên cứu có thể đuổi kịp và sánh ngang với các tên tuổi ở Thung lũng Silicon hay không?", lãnh đạo Viện nghiên cứu VinAI Research bộc bạch.

AI đã vượt qua con người?

Nối tiếp chuỗi sự kiện giải thưởng VinFuture, vào ngày 19/1, tại Hà Nội, tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự có sự tham gia của nhiều giáo sư hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.

Đáng chú ý, tại phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Tương lai của trí tuệ nhân tạo", các chuyên gia đã tung hứng vô cùng sôi nổi về hành trình phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong vòng 10 năm trở lại đây, cũng như những kỳ vọng về tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam.

Tại tọa đàm, TS. Bùi Hải Hưng, Viện nghiên cứu VinAI Research, Tập đoàn Vingroup chia sẻ, trong vòng 10 năm qua, AI đã đi sâu vào nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều ứng dụng khác nhau.

"Chúng ta đã đạt nhiều tiến bộ 10 năm qua, mặc dù chưa đạt được ở quy mô đại trà, nhưng toàn bộ hệ thống công nghệ hiện nay đã hoạt động trơn tru hơn. Xe tự hành đã ứng dụng AI giúp con người lái xe an toàn hơn, đặc biệt là trong điều kiện nguy hiểm mà con người không tiện tham gia", ông Hưng cho biết.

"Chúng ta có thể thấy các hoạt động tương tác tại nhà như trợ lý ảo, trợ lý riêng trên các thiết bị giúp kiểm soát các thiết bị trong nhà tạo tiện ích cho con người. AI giờ đây trở thành công cụ nghiễm nhiên trong cuộc sống con người", ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Giáo sư Jennifer Tour Chayes (ĐH California, Berkely) cho biết, trong y học, công việc chẩn đoán sẽ khó có kết quả sớm nếu không có AI, đặc biệt trong việc hỗ trợ bác sĩ giải mã hình ảnh chụp phim để phát hiện nguy cơ ung thư.

Lãnh đạo VinBigdata, VinAI chỉ ra yếu tố đặc biệt giúp doanh nghiệp AI Việt đuổi kịp các ông lớn ở Thung lũng Silicon - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Tương lai của trí tuệ nhân tạo" vào ngày 19/1.

"Nếu không can thiệp sớm thì sẽ vô cùng nguy hiểm với người bệnh, và AI đã hỗ trợ vô cùng tích cực trong lĩnh vực y học. Có thể nói, AI đã vượt qua con người trong nhiều khía cạnh", GS. Jennifer Tour Chayes cho hay.

"AI trong một số trường hợp còn vượt qua cả chuyên gia trong việc phát hiện và hỗ trợ trong quá trình đưa ra quyết định. AI đã thực sự hỗ trợ cho sự thông minh của con người. Con người không thể xử lý được cùng một lúc hơn 600 tỷ thông số, nhưng AI lại có thể làm được", nữ giáo sư nhận định.

Liệu AI có nguy cơ lấn át con người?

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đặt ra câu hỏi về tính đạo đức của AI, khi mà AI không giống với con người.

"Trong khi con người có sự thấu cảm còn AI thì không, vậy liệu AI có nguy cơ trở thành ‘Hitler thứ 2’?", ông Trương Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty VinBrain đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, GS. Albert P. Picasso (Đại học California, San Diego, Hoa Kỳ) nhận định, AI không gây nguy hại cho ai. Tuy nhiên, về yếu tố đầu tư, ở một khía cạnh nào đó, AI làm việc thay mặt con người, cá nhân nào đó, chứ không phải hệ thống đang sử dụng AI.

Lãnh đạo VinBigdata, VinAI chỉ ra yếu tố đặc biệt giúp doanh nghiệp AI Việt đuổi kịp các ông lớn ở Thung lũng Silicon - Ảnh 2.

GS. Albert P. Picasso (Đại học California, San Diego, Hoa Kỳ)

"Như vậy, chúng ta chưa thấy được sự cân bằng lợi ích giữa cá nhân và tổ chức. Vị trí, trách nhiệm mà AI sử dụng. Ai được lợi? Trách nhiệm sử dụng thuộc về cá nhân hay hệ thống?", giáo sư Picasso nói.

Từ những vấn đề đó, Theo GS Pisano, cần có những sự thận trọng nhất định để tạo ra việc vận hành xã hội được tốt đẹp hơn, trong đó có việc điều chỉnh một số mô hình AI khiếm khuyết, đặc biệt là khiếm khuyết về đạo đức. Cần có một hệ thống kiểm soát có vai trò như những phiên tòa, có bồi thẩm đoàn để chúng ta tin cậy, đưa ra đánh giá. AI phải có một quy trình, hình thức tích hợp nào đó để không có can thiệp của cá nhân.

"Ta phải có quy trình hoặc một hình thức tích hợp không có sự can thiệp của con người để có thể đảm bảo tính công bằng", GS. Albert P. Picasso chia sẻ.

Theo TS. Bùi Hải Hưng, vấn đề nằm người ra quyết định chứ không phải thuật toán, cho nên chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và đảm bảo được sự tuân thủ của hệ thống AI.

VinAI đủ khả năng để đuổi kịp những "ông lớn" ở Thung lũng Silicon

Chia sẻ về khát vọng phát triển lĩnh vực AI ở Việt Nam trong tương lai, TS. Bùi Hải Hưng cho biết, bắt đầu hành trình 3 năm trước, đến thời điểm hiện tại, VinAI đã đạt đến độ "chín" về nhu cầu công nghệ, nhu cầu nghiên cứu về AI, thị trường…

"Tôi muốn đưa điểm 'chín' đó lên một tầm cao mới, tạo kết quả thiết thực cho chất lượng cuộc sống người dân", ông Hưng nói.

Lãnh đạo VinBigdata, VinAI chỉ ra yếu tố đặc biệt giúp doanh nghiệp AI Việt đuổi kịp các ông lớn ở Thung lũng Silicon - Ảnh 3.

TS. Bùi Hải Hưng, Viện nghiên cứu VinAI Research, Tập đoàn Vingroup

"Chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu có thể xây dựng phòng nghiên cứu về AI đẳng cấp ngay tại Việt Nam hay không. Ban đầu tôi cũng không biết mong muốn có thành hiện thực không, hay phòng nghiên cứu có thể đuổi kịp và sánh ngang với các tên tuổi ở Thung lũng Silicon hay không?", ông Hưng bộc bạch.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, ông Hưng hoàn toàn tự tin khi đánh giá VinAI là một trong các phòng nghiên cứ hàng đầu với số ấn phẩm công bố, hội thảo tham gia.

"Ví dụ, năm nay, chúng tôi có 8 ấn phẩm công bố. Ít nhất, ở thời điểm hiện tại, tôi đã làm 1 điều gì đó để đưa độ 'chín' đó lên tầm cao mới. Lúc này chúng ta có thể làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề đào tạo, để có nguồn nhân tài từ chính người Việt Nam", ông Hưng khẳng định.

Ông Hưng nhận định, Việt Nam có 2 điểm nổi trội thì một trong số đó là nhân tài. Ông cho rằng, hiện Việt Nam đang có cơ hội tuyệt vời để khởi nghiệp và hưởng lợi trong lĩnh vực AI.

"Mục tiêu đưa Việt Nam tham gia vào thị trường AI, không chỉ trong việc áp dụng mà cả sản xuất ra các sản phẩm AI, là điều ta có thể làm đc", ông Hưng khẳng định.

Còn theo GS.Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, ngay từ ban đầu, mong muốn của ông đó là mang AI đến Việt Nam như một công cụ hữu ích để người dân có hưởng lợi từ AI. Ông Văn chỉ ra rằng, để xây dựng hệ thống AI cần 2 điều. Một là bộ dữ liệu sạch. Hai là nguồn nhân tài sẵn sàng cống hiến công sức.

Lãnh đạo VinBigdata, VinAI chỉ ra yếu tố đặc biệt giúp doanh nghiệp AI Việt đuổi kịp các ông lớn ở Thung lũng Silicon - Ảnh 4.

GS.Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata

"May mắn là, Việt Nam là một đất nước đang phát triển, có rất nhiều công cụ hữu ích. Ở Việt Nam, việc thu thập, dán nhãn dữ liệu dễ hơn nước khác. Về nhân lực, người Việt học Toán rất giỏi nên sẽ dễ dàng trong việc học sâu, nghiên cứu", ông Văn nhận định.

Ông Văn chia sẻ, sau 3 năm, VinBigdata đã làm được nhiều điều. Trong đó, VinFast đã được nhắc đến nhiều gần đây tại Việt Nam và Mỹ.

"Công ty chúng tôi làm ra trợ lý ảo Vivi. Chúng tôi rất tự hào về sản phẩm này. Trợ lý này còn có khả năng nói đùa với người lái xe. Nếu có tầm nhìn, chúng ta có thể tạo được sản phẩm giá trị cho người dân Việt Nam", ông Văn nói.

https://cafef.vn/lanh-dao-vinbigdata-vinai-chi-ra-yeu-to-dac-biet-giup-doanh-nghiep-ai-viet-duoi-kip-cac-ong-lon-o-thung-lung-silicon-20220119181918181.chn

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên