MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao động bị mất việc: Hỗ trợ cách nào?

DN dệt may được dự báo khó khăn do thiếu đơn hàng còn kéo dài tới nửa đầu năm 2023. Ảnh minh hoạ: Phạm Thanh

DN dệt may được dự báo khó khăn do thiếu đơn hàng còn kéo dài tới nửa đầu năm 2023. Ảnh minh hoạ: Phạm Thanh

Do đơn hàng sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã buộc phải tính đến giảm giờ làm, cắt giảm số lao động (LĐ) đúng vào dịp cuối năm.

Chị Lê Thị Minh (quê Thanh Hoá) làm công nhân may cho doanh nghiệp ở Từ Sơn (Bắc Ninh) chia sẻ, từ tháng 10 tới nay, công ty thiếu đơn hàng nên thông báo cho người lao động một ngày chỉ làm 8 tiếng, không còn tăng ca, làm thêm giờ. Do cắt giảm phần chi cho tăng ca, người lao động chỉ còn nhận lương tối thiểu và một phần tiền hỗ trợ thuê nhà trọ, đi lại, với mức hơn 5 triệu đồng/tháng, giảm gần một nửa so với trước.

“Sau khi nhận thưởng Tết bằng 1 tháng thu nhập, tôi đã xin công ty nghỉ không lương về ăn Tết sớm. Sau Tết chưa biết khi nào trở lại, nếu công ty có việc và gọi thì tôi trở lại. Bây giờ, với mức lương thấp nên về sớm còn phụ giúp bố mẹ làm mùa, cày cấy, sang năm sẽ tính sau”, chị Minh nói. Xóm trọ nơi chị Minh ở đã có gần một nửa số lao động thuê ở đã về nghỉ Tết sớm.

Trong báo cáo mới nhất Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp thực tiễn từ các địa phương gửi Chính phủ cho thấy, từ tháng 9/2022 tới nay, nhiều DN bị giảm đơn hàng phải cắt giảm việc làm. Cả nước có hơn 528 DN bị cắt giảm đơn hàng, điều này tác động tới việc làm của hơn 637 nghìn LĐ (tương đương khoảng 4% tổng số LĐ làm việc trong DN). Trong số đó, có hơn 53 nghìn người bị mất việc, hơn 22 nghìn người phải tạm dừng hợp đồng, hơn 35 nghìn người hoãn hợp đồng; còn lại hơn 359 nghìn người giảm giờ làm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhìn nhận, trước những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhiều DN đã nỗ lực đề duy trì việc làm, thu nhập, giữ chân người LĐ, sa thải LĐ là biện pháp cuối cùng được chọn. Các sở ngành, địa phương cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ người LĐ, giám sát DN trong đảm bảo chế độ, đặc biệt là ở địa bàn trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Bộ LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các bên liên quan, như Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức đoàn để nắm bắt thông tin từ thực tế tại các địa phương. Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương cùng nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ tuyển dụng, sử dụng LĐ bị mất việc làm.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận định: Dự kiến tình hình chung doanh nghiệp còn khó khăn còn kéo dài hết quý 1/2023. Bộ này cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm sử dụng nguồn kinh phí công đoàn (2%) để hỗ trợ đoàn viên, người LĐ bị ảnh hưởng về việc làm để họ sớm ổn định cuộc sống.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

Trở lên trên