MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao động làm công ăn lương được hỗ trợ gì khi không được giảm thuế TNCN?

Lao động làm công ăn lương được hỗ trợ gì khi không được giảm thuế TNCN?

Có rất nhiều chính sách hỗ trợ dành cho lao động làm công ăn lương trong dịch Covid-19.

1.      Miễn đóng đoàn phí công đoàn

Ngày 11/8/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: đã thống nhất bổ sung đối tượng miễn đóng đối với các đoàn viên tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Thời gian thực hiện miễn đóng áp dụng từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021.

2.      Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục dân lập, tiểu học, trung học cơ sở,... bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021; nếu đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngày trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ 1 lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

3.      Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc

Cũng theo Nghị quyết trên, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

4.      Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động

Ngoài ra, người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục dân lập, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở,... chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021; nếu đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

5.      Chính sách hỗ trợ đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ trong đơn vị sự nghiệp công lập

Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

6.      Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên