Lão nông sở hữu làng tre lớn nhất miền Tây trở thành phú điền ở tuổi 87
Sau hơn 35 năm trồng tre, ông Đặng Văn Sang (87 tuổi, ngụ Hậu Giang) đã hái được quả ngọt. Hiện tại, ông là chủ của vườn tre rộng hơn 10.000m2, cho thuê làm du lịch sinh thái. Vườn tre này đồng thời cũng là vườn tre có diện tích lớn nhất miền Tây.
- 13-11-2023Nghỉ việc ở VTV sau 16 năm gắn bó, nữ MC trở lại đầy bất ngờ ở lĩnh vực mới, gây chú ý trong làng thời trang Việt
- 11-11-2023Hot nhất Thái Bình lúc này: Dân làng đổ xô xem đám cưới Đoàn Văn Hậu, visual cô dâu mặc váy cưới sáng bừng
- 09-11-2023Nữ giáo viên 36 tuổi rủ nhóm bạn cùng bán nhà lên núi, thuê cả ngôi làng: Cuộc sống gần như không rác thải
Mặt trời đứng bóng giữa trưa, như một thói quen, ông Tư Sang mặc vội chiếc áo sơ mi sờn cũ, cầm theo con dao sắt, cẩn trọng từng chút dắt chiếc xe đạp rỉ sét được dựng sẵn bên vách tranh nhà mình, ông Tư đạp xe dẫn chúng tôi đi… ngắm tre.
"Cô cậu đi theo tôi", ông Tư nói rồi dẫn đường.
Con lộ nông thôn đưa chúng tôi vào vườn tre rộng hơn 10.000 mét vuông tọa lạc tại ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Tỉ mẩn bẻ những mo tre khô rồi dùng dao vót những ngọn non, vừa tưới nước ông Tư Sang vừa giải thích đây là cách làm giúp cho cây tre cao khoẻ và có sức sống. "Cô cậu đi vào mùa nắng nóng gắt là cảm nhận rõ nhất, đoạn đường dài 2 cây số chỉ có đoạn qua vườn tre này là mát lạnh", ông Tư Sang nói.
Suốt 35 năm nay, mỗi ngày, lão nông này đều đặn ra vườn tỉa nhánh, dọn lá tre rụng rồi ủ làm phân để bón gốc tre. Cứ cách 2 - 3 ngày, ông cặm cụi đạp xe chở theo thùng nước tưới dọc vườn tre.
"Ngày xưa người ta lượm cái này vô làm mồi nhóm lửa hoặc làm miếng dọi nóc nhà. Một cây tre từ gốc đến ngọn không bỏ bất cứ một thứ gì, cái nào cũng sài được", vừa cầm trên tay bẹ tre khô ông Tư vừa tiếp lời.
"Sở dĩ tôi chọn tre là vì tre dễ trồng, nó vừa thân thuộc và có những đặc tính như người mình ngày xưa, mộc mạc, nhũn nhặn, kiên trì vươn lên, khó khuất phục, đầy chí khí như người mình", ông Tư Sang tâm sự.
Ông Đặng Văn Sang (hay còn gọi là Tư Sang) hằng ngày vẫn chăm sóc vườn tre. Ông nhặt từng cành tre nhỏ, tái sử dụng chúng trong nhà, dùng lá để ủ gốc tre.
Khung cảnh yên bình ở vườn tre của ông Tư Sang.
Hàng chục năm trước, gia đình ông trồng tre nhằm phục vụ nhu cầu cất nhà, dựng cửa, hàng quán... của người dân địa phương. Sau thời gian được chủ dày công chăm sóc vườn tre tốt tươi đầy đủ các loại tre mỡ, tre gai, tre mạnh tông, tre xiêm tổng diện tích lên đến hàng chục nghìn mét vuông.
"Khi tre mọc thành vườn, tôi chăm sóc cho đến bây giờ, xem đây như niềm vui và cũng là tài sản lớn nhất của gia đình", lão nông tuổi 87 nói.
Cách đây vài năm, ông Tư Sang quyết định "xẻ đôi" vườn, hiến đất cho nhà nước làm đường. Người dân địa phương từ đó cũng được hưởng bóng mát vườn tre, sớm tối đi về dưới những rặng tre già vững chải, đan xen nhau tạo thành mái vòm cao hàng chục mét.
Nặng tình với vườn tre do mình dày công chăm sóc hơn 35 năm, ông Tư Sang mong vườn tre có thể quảng bá hình ảnh du lịch quê nhà.
"Nếu như trước đây tôi chọn làm ruộng thì khi lớn tuổi, không còn đủ sức để làm. Lúc bấy giờ tôi nghĩ, tre là chắc chắn nhất. Cạnh vườn tre, con tôi cũng trồng cam sành. Bây giờ lớn tuổi, để cho lớp trẻ làm du lịch vừa phát triển vừa quảng bá hình ảnh vườn tre", ông Tư nói.
Nhìn thấy nhiều tiềm năng từ vườn tre Tư Sang, anh Đỗ Thành Huấn cùng một vài người bạn thân ở TP Cần Thơ đã ngỏ lời thuê lại và đầu tư biến vườn tre này trở thành điểm du lịch sinh thái độc đáo.
Không gian dành cho du khách tham quan trải nghiệm chiếm khoảng 1/3 vườn tre. Dựa trên những sản phẩm có sẵn, anh Huấn cho dựng một khu du lịch sinh bài bản, những hạng mục như tum, chòi, cầu gỗ len lỏi trong vườn, hoàn toàn được làm bằng những vật dụng gắn liền với thiên nhiên như tre, nứa, gỗ.
"Có khoảng 60 tum nhỏ cùng những kiến trúc nằm ẩn dưới những vòm tre được làm bằng những vật dụng dân dã, riêng vườn tre gần như được giữ nguyên trạng, do ông Tư chăm sóc và bảo tồn".
Phụ nữ số