Lập kỷ lục trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, Việt Nam dấn sâu đường đua 1.000 tỷ USD, dồn dập nhận tin vui từ NVIDIA, Google
Việt Nam hiện trở thành nơi hội tụ của nhiều gã khổng lồ công nghệ thế giới.
- 13-12-2024Truyền thông Indonesia cảm thán: "Thật trớ trêu khi NVIDIA chọn Việt Nam, chúng ta tụt hậu so với họ rồi"
- 12-12-2024Chỉ mất 5 phút để giải bài toán mất 10 triệu tỷ tỷ năm, vì sao chip lượng tử Google vẫn chưa thể 'khuất phục' thuật toán mã hóa của Bitcoin?
- 12-12-2024Một tính năng được kỳ vọng là tương lai của iPhone, tắt mở như thế nào?
Hiện nay, đổi mới sáng tạo đã trở thành lĩnh vực cả thế giới theo đuổi. Như tại Trung Quốc, chiến lược "Made in China 2025" đang biến Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ; hướng đến trở thành hình mẫu phát triển chất lượng cao, trung tâm sáng tạo và kinh doanh có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Hay Canada được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ của các đại gia công nghệ và giới đầu tư với hàng loạt trung tâm đổi mới sáng tạo xuất hiện, theo The New York Times.
Tại Việt Nam, hoạt động đổi mới sáng tạo cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2024 của WIPO, Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).
Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) là yếu tố then chốt để phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo thường niên Global Technology lần thứ 5, Bain & Co. dự báo thị trường AI, bao gồm các dịch vụ và phần cứng liên quan, sẽ tăng trưởng 40% đến 55% mỗi năm từ mốc 185 tỷ USD năm 2023. Đến năm 2027, thị trường AI sẽ đạt gần 1.000 tỷ USD.
Nhận thức được tầm quan trọng của AI, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nhằm tạo ra "cú hích" cho ngành AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về AI. Như Giám đốc AI Meta cho biết, AI là kho tàng tri thức, Việt Nam có tiềm năng bứt phá lớn.
Thực tế, Việt Nam đang trở thành nơi hội tụ của hàng loạt ông lớn công nghệ thế giới. Mới đây, vào 5/12, NVIDIA thông báo sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và một trung tâm dữ liệu AI.
Theo đề xuất, trung tâm R&D tại Việt Nam có tầm nhìn đầy tham vọng là phát triển các nền tảng công nghệ để NVIDIA và đối tác nuôi dưỡng các sáng kiến đổi mới về AI. Các nhà nghiên cứu và công ty khởi nghiệp có thể sử dụng cơ sở hạ tầng này để phát triển những ứng dụng AI cho các lĩnh vực thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông vận tải và tài chính.
Quyết định đầu tư của NVIDIA nằm trong một xu hướng lớn hơn. Trước đó, Google cũng đã xác nhận việc thành lập Google Việt Nam, một doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của đất nước, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2025.
Hay vào tháng 11, Foxconn - một nhà cung ứng của Apple - đã công bố khoản đầu tư 80 triệu USDvào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang. Trong khi đó, Meta có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo và SpaceX đã bày tỏ dự định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Sam Goundar, giảng viên cấp cao ngành CNTT tại Đại học RMIT, "các khoản đầu tư này là những cột mốc đáng chú ý, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu”.
“Những gã khổng lồ công nghệ đến Việt Nam là một tin vui, nhưng cần đảm bảo rằng điều này thực sự đem lại lợi ích cho đất nước. Việt Nam nên tập trung xây dựng ngành công nghệ riêng của mình chứ không chỉ là nơi để các công ty lớn kinh doanh”, Tiến sĩ Sam Goundar cho biết thêm.
“Điều này đồng nghĩa với việc cần hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước, kết nối hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp, đưa ra các chính sách thúc đẩy ý tưởng mới phát triển. Mục tiêu là để Việt Nam dẫn đầu, chứ không chỉ đi theo, về AI và công nghệ. Nếu chúng ta làm được, khoản đầu tư của các gã khổng lồ công nghệ có thể là khởi điểm của những thành tựu tuyệt vời cho đất nước”.
Nhịp sống thị trường