Lập trường của ông Trump khiến chứng khoán Mỹ thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD
Tuy nhiên, nỗ lực cân bằng cán cân thương mại của ông Trump có vẻ sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ...
Lập trường cứng rắn và những lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump về thương mại đã gây thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường đối với chứng khoán Mỹ - chiến lược gia định lượng cấp cao nhất của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định.
"Xét đến mức vốn hóa thị trường hiện nay, có thể thấy mức thiệt hại gây ra là 1,25 nghìn tỷ USD vốn hóa. Con số này tương đương khoảng 2/3 giá trị của tất cả các biện pháp kích thích tài khóa" của chính quyền Trump.
Mấy tháng qua, ông Trump đã sử dụng những lời đe dọa và các biện pháp thuế quan nhằm thay đổi các thỏa thuận thương mại mà ông cho là không bình đẳng và gây thiệt hại cho các lợi ích kinh tế Mỹ.
Thương mại tiếp tục là một chủ đề căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt, cũng như đối với các nhà đầu tư ở Phố Wall. Hôm thứ Năm tuần trước, chỉ số Dow Jones sụt hơn 200 điểm sau khi ông Trump quyết định áp thuế thép và nhôm lên Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Sau đó, các quốc gia đã đáp trả Mỹ bằng cách áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của nước này như thịt lợn, bơ lạc, mô-tô…
Theo các chuyên gia của JPMorgan Chase, ông Trump hoàn toàn có thể giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm cao hơn nếu ông dừng đưa ra những phát ngôn cứng rắn về thương mại. Sau khi lên cầm quyền, ông đã nhiều lần "khoe" về việc chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ ông.
Chiến lược gia Kolanovic, người đứng đầu mảng chiến lược định lượng và phái sinh toàn cầu của JPMorgan Chase, là người đã dự báo đúng đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán Mỹ. Trong báo cáo ra ngày 6/6, ông nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang là một trong những bất lợi lớn mà Phố Wall phải đối mặt.
"Một chiến lược đàm phán sử dụng những lời đe dọa có thể thành công trong đàm phán song phương, nhưng nhiều khả năng phản tác dụng trong một hệ thống phức tạp như thương mại toàn cầu", ông Kolanovic nói.
"Phần giá trị vốn hóa bị phá hủy bởi nguy cơ chiến tranh thương mại có thể hồi phục nếu các chính sách được đảo ngược, trong khi tác dụng của các biện pháp kích thích tài khóa có thể vẫn duy trì. Trong trường hợp đó, thị trường có thể tăng 4%", vị chiến lược gia nhận định.
Tuy nhiên, nỗ lực cân bằng cán cân thương mại của ông Trump có vẻ sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt thương mại của Mỹ có vẻ đang giảm xuống. Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày thứ Tư cho thấy thâm hụt thương mại tháng 4 giảm 2,1%, còn 46,2 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Nếu xu hướng này tiếp tục, thương mại có thể đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 2, bên cạnh ngành sản xuất đang mạnh và tiêu dùng tăng.
VnEconomy