MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Larry Fink - người đàn ông quyền lực nhất phố Wall đánh chuông cảnh báo về nền kinh tế Mỹ

08-04-2017 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Larry Fink là 1 trong 16 cố vấn kinh tế cấp cao cho Tổng thống Donald Trump. Ông bày tỏ sự thất vọng đối với những thay đổi mà chính quyền mới đã làm được cho đến nay.

Ai đang thực sự nắm thị trường chứng khoán toàn cầu? Có thể là những công ty tiêu dùng đa quốc gia như Apple, Unilever, Nestlé, hoặc cũng có thể là những ngân hàng toàn cầu như Citigroup, JPMorgan Chase hay các đại gia dầu mỏ như Exxo Mobil. Nhưng một công ty không có tên trong danh sách này lại chính là tay chơi lớn nhất trên thị trường.

BlackRock là cổ đông lớn trong hầu hết các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và trên thế giới. Không chỉ có chứng khoán, cánh tay của quỹ này còn chạm tới trái phiếu, các quỹ phòng hộ quốc gia, nợ nhà nước. Một thống kê cho thấy, 93% số lương hưu của người Mỹ là do BlackRock quản lý.

Người đứng đằng sau "túi tiền" quyền lực này chính là Larry Fink. Và cũng giống như "hòn đá đen" của mình, tên tuổi của ông được ít người Mỹ biết đến. Tuy nhiên, Larry Fink chính là người đàn ông quyền lực nhất trong nền kinh tế Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính.

Và hôm qua, ông chủ BlackRock đã đánh chuông cảnh báo về nền kinh tế Mỹ. Ông nói rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ đang chậm dần cùng với mối lo lắng liệu rằng chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump có được Nghị viện thông qua hay không. Trước đó, Jamie Dimon - người đàn ông quyền lực nhất ngành ngân hàng đã nói rằng "rõ ràng là có điều gì đó sai sai" đối với nước Mỹ trong bức thư gửi nhà đầu tư hôm thứ 3 của ông. Cả Larry Fink và Jamie Dimon đều nằm trong ban cố vấn kinh tế cấp cao cho Tổng thống Donald Trump.

Ông Fink bày tỏ sự thất vọng đối với tốc độ của những thay đổi cho đến nay dưới thời chính quyền mới. Trả lời câu hỏi của phóng viên CNBC, ông cho biết nền kinh tế Mỹ đang chậm dần do cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều chờ xem liệu chính quyền mới có thể đưa ra cải cách thuế và bãi bỏ quy định sau khi thất bại thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe trong tháng 3 hay không.

"Lo lắng hơn là càng ngày những thay đổi dự định càng khó để thực hiện", ông Fink cho biết. "Bạn có thể thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm dần".

Ông Fink nhận định với tốc độ tăng trưởng rơi xuống dưới mức 1,5% trong quý I, nước Mỹ có lẽ là nền kinh tế tăng chậm nhất trong nhóm các quốc gia G7. Nhật Bản, Canada và châu Âu đang tăng trưởng nhanh hơn so với dự kiến từ 6 tháng trước, trong khi Mỹ ngày càng đi xa kỳ vọng.

"Những ông chủ doanh nghiệp mà tôi nói chuyện đều đang lùi lại và quan sát và họ không sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này, chờ đợi cho đến khi họ bắt đầu nhìn thấy nền kinh tế tăng trưởng thực. Nếu không có cải cách thuế doanh nghiệp, nếu chúng ta không nhìn thấy quy định bị bãi bỏ, nhiều thị trường sẽ suy giảm", ông Fink chia sẻ

Là một Đảng viên Đảng Dân chủ, ông Fink từng được cho là ứng viên tiềm năng sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính nếu bà Hillary Clinton lên làm tổng thống, nhưng ông không phải là người độc đảng. Hiện ông là 1 trong 16 cố vấn kinh tế trong diễn đàn kinh tế và chiến lược của Tổng thống Trump và có lẽ ông sẽ đề cập đến những mối lo lắng của mình với vị Tổng thống vào cuộc gặp mặt ở Washington sắp tới.

Anh Sa

Vanity Fair, Bloomberg

Trở lên trên