MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lay động những phát ngôn

02-05-2016 - 09:32 AM | Xã hội

Những phát ngôn như trở thành châm ngôn. Những tiếng cười sâu cay kéo theo giọt nước mắt. Động lực của đại biểu đan xen những áp lực... Nhiệm kỳ 5 năm đã ghi nhận nhiều dấu ấn từ những phát ngôn của đại biểu Quốc hội nơi nghị trường.

“Đại biểu chống tham nhũng

Nhắc đến đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người ta thường gắn cho ông cái tên thân mật: “Đại biểu chống tham nhũng”. Trong vai trò của đại biểu, hầu hết những phát ngôn tại nghị trường, đặc biệt tại những phiên chất vấn, ông Tiến đều đề cập vấn nạn tham nhũng, tiêu cực.

Nói về những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được ví như những “quả đấm thép” của nền kinh tế, song với những vụ việc tham nhũng vừa qua, đại biểu Tiến khẳng khái đánh giá “những quả đấm thép đang tan chảy”. Cụ thể hơn với Vinashin, Vinalines làm thất thoát tài sản của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng khiến cử tri thấp thỏm chờ xem sắp tới “còn Vina nào nữa”?

Đại biểu Lê Như Tiến.
Đại biểu Lê Như Tiến.

Nói về độ “khủng” của các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước, theo ông Tiến, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến mức phải “kính cẩn, nghiêng mình” gọi là các “đại gia, ông lớn”. Cũng chính bởi mỗi khi các ông lớn này có mệnh hệ gì, Nhà nước lại ném “phao cứu sinh” nên chính bản thân họ không mặn mà với cổ phần hóa và chỉ muốn bao cấp dài dài, làm “gà công nghiệp” mà thôi.

“Cánh cửa phòng đại biểu Quốc hội phải luôn mở với báo chí, vì giao tiếp với báo chí chính là cơ hội tốt để đại biểu Quốc hội truyền thông điệp của mình tới cử tri. Đồng thời thông qua báo chí có thể tạo dựng hình ảnh của đại biểu Quốc hội với công chúng. Nếu vì quá bận thì phải hẹn báo chí dịp khác chứ không bao giờ nói không với báo chí”.

Đại biểu Lê Như Tiến

“Tham nhũng như căn bệnh trầm kha, mà đã là trọng bệnh thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da. Tham nhũng, lãng phí là hai anh em sinh đôi. Một số đại gia khi đương chức thì làm chủ con dấu và tài khoản riêng. Lúc về hưu mới hé lộ ra là có nhiều con riêng và tài khoản giấu...”. Từ thực tế diễn ra khi nhiệm kỳ chuẩn bị kết thúc, ông Tiến cũng chính là đại biểu đưa ra cảnh báo thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, một số người có chức quyền thường “tăng tốc tham nhũng” cả về cường độ và tần suất để thực hiện “chuyến tàu vét cuối cùng”. Sau những phát biểu lay động nghị trường, ông Tiến cũng nhận được hàng trăm tin nhắn của cử tri bày tỏ sự hài lòng và niềm tin gửi gắm vào vị đại biểu chống tham nhũng.

Rồi tình trạng đòi tiền lót tay, bôi trơn, mời gọi đầu tư kiểu “trên rải thảm, dưới rải đinh” cũng được “đại biểu chống tham nhũng” nêu ra trước nghị trường.

“Một số đại gia khi đương chức thì làm chủ con dấu và tài khoản riêng. Lúc về hưu mới hé lộ ra là có nhiều con riêng và tài khoản giấu...”.

Đại biểu Lê Như Tiến

Nhìn lại những chặng đường đã qua, chia sẻ về mối quan hệ giữa đại biểu với báo chí, “đại biểu chống tham nhũng” khẳng định ngay: “Cánh cửa phòng đại biểu Quốc hội phải luôn mở với báo chí, vì giao tiếp với báo chí chính là cơ hội tốt để đại biểu Quốc hội truyền thông điệp của mình tới cử tri. Đồng thời thông qua báo chí có thể tạo dựng hình ảnh của đại biểu Quốc hội với công chúng. Nếu vì quá bận thì phải hẹn báo chí dịp khác chứ không bao giờ nói không với báo chí”.

Đúng là qua các kỳ họp Quốc hội cũng như mỗi khi có vụ việc gì xảy ra liên quan tham nhũng, tiêu cực, đại biểu Lê Như Tiến luôn là địa chỉ đầu tiên báo chí tìm đến, và đúng là chưa bao giờ vị đại biểu này nói không với báo chí. Song điều quan trọng là những phát ngôn đanh thép ấy lập tức đã tác động trực tiếp đến các cơ quan chức năng và những người đứng đầu phải nhìn lại sửa chữa tức thì.

Đại biểu Đỗ Văn Đương.
Đại biểu Đỗ Văn Đương.

“Mình là dân, phải nói tiếng nói của dân chứ”

Nhắc đến đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) người ta thường liên tưởng đến những phát biểu gây cười, nhưng nó không chỉ đơn thuần mang tính giải trí, mà đó là những tiếng cười sâu cay. Không chỉ nổi tiếng với phong cách nói thẳng, nói thật, mà đôi khi những phát biểu của vị đại biểu hoạt động trong ngành tư pháp cũng gây nhiều tranh cãi.

“Làm gì thì làm, mình cũng là dân thôi. Bố mẹ mình là dân, anh em mình là dân nên mình phải nói tiếng nói của dân chứ!”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương

Là Tiến sĩ Luật học và xuất thân từ một giảng viên Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội, rồi trở thành đại biểu chuyên trách hoạt động trong ngành tư pháp, có lẽ vì thế mà đại biểu Đỗ Văn Đương thường “ghi điểm” ở lĩnh vực này. Đề cập vấn nạn tiêu cực trong xã hội, trong một lần phát biểu, đại biểu Đương đề nghị cần mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham và “hãy dùng con mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào”.

Tại diễn đàn Quốc hội, ông Đương cũng bày tỏ lo ngại khi số vụ việc tham nhũng bị phát hiện chủ yếu là tham nhũng vặt, còn các vụ án lớn phát hiện rất ít, đặc biệt, chuyển sang xử lý hình sự còn hạn chế. Đại biểu Đương cũng thẳng thắn đưa ra cảnh báo về tình trạng “hy sinh đời bố củng cố đời con”, với tư tưởng “cứ vơ vét, vào tù là xóa hết”, bởi vậy mà ở một số địa phương, con của một số lãnh đạo mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có khối tài sản “khổng lồ”. Ông cũng là người đề nghị Quốc hội cần sớm ban hành luật về công vụ, xác định rõ các chức danh, vị trí việc làm để loại bỏ “công chức ăn bám”.

Trò chuyện với phóng viên bên lề hội nghị khi nhiệm kỳ Quốc hội chỉ còn tính bằng ngày, đại biểu Đỗ Văn Đương thẳng thắn bày tỏ: “Làm gì thì làm, mình cũng là dân thôi. Bố mẹ mình là dân, anh em mình là dân nên mình phải nói tiếng nói của dân chứ! Quốc hội nói tiếng nói của dân. Đâu phải sống sướng quá mà nói bừa đi được”.

Đại biểu Lê Nam.
Đại biểu Lê Nam.

“Nhốt trong lồng đẹp”

Còn nhớ khi thảo luận về Bộ luật Hình sự sửa đổi, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) ủng hộ hình phạt như đánh roi của Singapore, bởi ông cho rằng, “đánh roi rất đơn giản và xã hội ta đang cần phải đánh roi”. Thậm chí đại biểu Lê Nam còn hiến kế những hình phạt “hơn thế nữa”. Ông Nam cho rằng, với tội phạm tham nhũng, “không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà cho vợ nuôi cho đủ… xấu hổ”.

“Không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà cho vợ nuôi cho đủ… xấu hổ”.

Đại biểu Lê Nam

Khi cho ý kiến về Luật Đất đai, đại biểu Nam còn kể ra tình trạng nhiều đại biểu tha thiết đề nghị thay đổi trong giao đất nông nghiệp, thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất ở của người dân nhưng không được chấp nhận. "Khi giám sát việc nông dân bỏ ruộng và trả ruộng, chúng tôi mới thấm câu ca đã có từ lâu: Đại biểu phát biểu thì rất hay/ Nhưng tiếp thu thì rất gay/ Nên xin giữ như dự thảo", ông Nam giãi bày.

Còn nhớ khi bàn về sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng, đại biểu Lê Nam cũng thẳng thắn cho rằng: "Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và chau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người bí thư lăn vào cuộc sống, những bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng có đủ những ràng buộc, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật, để những hi sinh, cống hiến của họ được đến với nhân dân".

Cũng lần gần đây nhất tại phiên họp cuối của nhiệm kỳ, đại biểu Lê Nam cũng băn khoăn khi báo cáo nhiệm kỳ thì giống như “một bức tranh đẹp có phần lãng mạn”, tuy nhiên sau mỗi lần rời nghị trường vẫn trĩu nặng trăn trở ưu tư vì còn “nợ dân, nợ nước”. Đại biểu đặt câu hỏi: Bức tranh này liệu có xung đột với một “miền Tây Nam bộ trù phú và hiền hoà đang lùi vào dĩ vãng, Tây Nguyên khô khát giữa tháng ba, hệ thống chính trị cồng kềnh đến không chịu nổi với tham nhũng và quan liêu, với ngân khố nợ nần, thanh niên Việt Nam hình như ngày càng còi cọc và biển Đông cũng chưa ngừng gợn sóng?”.

Theo Dũng Nguyễn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên