Lazada có hệ thống phân loại hàng hóa tự động đầu tiên tại Việt Nam
Đầu tháng 11/2017, Lazada đã đưa vào vận hành trung tâm phân loại hàng hoá tự động đầu tiên ở Việt Nam có tính năng tự động phân loại hàng theo kích thước, địa chỉ và chia về từng hub giao hàng khác nhau. Hệ thống này được Lazada vận hành 24/24, tích hợp tính năng đọc barcode thông minh để nhận dạng đơn hàng, giúp giảm thời gian vận hành, đóng gói; giao hàng nhanh chóng cho người tiêu dùng.
Được biết đây là trung tâm phân loại hàng hoá tự động đầu tiên ở Việt Nam, xin ông cho biết Lazada đã vận hành trung tâm này từ khi nào?
Trung tâm chia chọn hàng hóa tự động đã được lên kế hoạch từ quý 2/2017 và bắt đầu xây dựng vào tháng 7/2017. Từ đầu tháng 11/2017, trung tâm này chính thức vận hành, trước khi chiến dịch 11/11 của Lazada bắt đầu.
Trung tâm này có ở Lazada các nước trong khu vực chưa? Hay Việt Nam là nơi đầu tiên?
Hệ thống chia chọn tự động hiện đã và đang được vận hành ở tất cả các nước mà Lazada đang có mặt, trừ Singapore. Việt Nam là quốc gia thứ 5 được Lazada đầu tư hệ thống phân chia hàng hóa tự động sau Indonesia, Thái Lan, Philipines… Khi đầu tư vào hệ thống này, Lazada cũng đã lên kế hoạch cho những bước tiếp theo cho những năm tới.
Xin ông chia sẻ về quy trình và cách thức vận hành của hệ thống này? Công nghệ nào đang được ứng dụng?
Hệ thống này sử dụng robot để tự động chia chọn hàng hóa đến các hub của Lazada Express cũng như chia chọn cho từng 3PLs đang là đối tác của Lazada. Hàng hóa được đưa lên hệ thống băng chuyền, sau đó sẽ đi qua khu vực cân đo tự đồng và được robot chia theo từng tuyến trên cơ sở mã vạch đã được in sẵn trên AWB – vận đơn.
Hiệu suất đạt được tăng trưởng bao nhiêu về thời gian xử lý đơn hàng, đóng gói và giao nhận?
Hệ thống mới với tốc độ băng chuyền gấp ba lần so với hệ thông băng chuyền chúng tôi sử dụng trước đây, giúp tăng hiệu quả xử lý hàng hóa lên với hiệu quả tương ứng. Không những thế, robot tự động giúp giảm thiểu những khâu phức tạp nhất của quy trình chia chọn hàng hóa so với việc thực hiện thủ công trước đây, đồng thời hàng hóa được chia chọn chính xác hơn. Khi vận hành hệ thống này, tỷ lệ sai sót gần như bằng 0.
Hiện đội ngũ nhân lực phục vụ cho trung tâm khoảng bao nhiêu người? Số lượng nhân sự cho khâu vận hành có giảm bớt khi hệ thống được đưa vào hoạt động?
Đội ngũ nhân sự vận hành trung tâm hiện nay là gần 200 người. Với hệ thống chia chọn tự động, khâu vận hành giảm được nhiều người so với quy trình trước đây do những công việc phức tạp nhất, tốn thời gian và đòi hỏi độ chính xác đã được xử lý bởi robot tự động.
Trước đây, việc sắp xếp, phân loại hàng hóa bằng tay mất rất nhiều thời gian vì nhân viên phải scan mã vạch để phân loại, dễ dẫn đến sai sót vào những ngày mua sắm lớn. Thế nhưng, với hệ thống tự động, công suất được tăng từ 3-5 lần. Từ đó, LEX có thể tăng khả năng giao hàng nhanh và đúng giờ cho khách hàng.
Đối với nhân sự, trước đây, LEX cần 20-30 người để thực hiện công việc này thì nay không có ai, số lượng người đó được sắp xếp để phục vụ các công việc khác. Có nghĩa là công đoạn khó nhất và phức tạp nhất đã giải quyết bằng robot vận hành. Mặt khác, với hệ thống chia chọn hàng hóa tự động này, khi mở rộng công suất lên gấp đôi thì lượng người cần thêm chỉ tăng cao lắm là 40%.
Trong chiến dịch Mưa Sale Băng vừa qua, công suất vận hành của hệ thống phân loại hàng hóa này đã đạt mức tối đa. Trên cơ sở đó, Lazada đang lên kế hoạch nâng công suất để sẵn sàng cho sự phát triển trong các năm tới.
Sắp đến, Lazada Express còn có thêm những hệ thống xử lý hiện đại khác không? Những dự án sắp tới của Lazada Express?
Lazada Express sẽ tiếp tục đầu tư một trung tâm tương tự tại Hà Nội với công suất gấp đôi hiện nay, đồng thời nâng công suất của hệ thống này lên gấp 3 lần vào đầu năm tới. Chúng tôi cũng sẽ bổ sung thêm hub vào mạng lưới phát hành và tăng cường nhân sự để tăng năng lực phát hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển của Lazada.
Ngoài ra, LEX cũng sẽ mở rộng mạng lưới điểm nhận hàng trong thành phố và các tỉnh lân cận, giúp nhà bán hàng gửi hàng qua LEX nhanh hơn và tiện lợi hơn. Hiện tại, LEX đã và đang ký hợp tác với một số cửa hàng tiện lợi như Ministop, FPTShop… để xây dựng các điểm bán hàng. Thay vì khách hàng phải đi tới các hub để gửi hàng qua LEX thì nay họ có thể ra bất cứ cửa hàng hàng tiện lợi nào để hàng ở đó và LEX sẽ có người qua nhận. Hiện tại, LEX có khoảng 80 điểm trên toàn quốc, dự kiến sẽ tăng lên 1.000 điểm trong hai năm tới.
Về mục tiêu dài hạn, Lazada và LEX đang hướng tới việc chia hàng đến từng nhân viên giao hàng. Bởi lẽ, hiện tại, phần chia nhận này mới chỉ chia theo từng hub và nhận đến từng phường, nhưng một phường sẽ có rất nhiều nhân viên giao hàng khác nhau.
Do vậy, khi hàng hóa được chia đến từng nhân viên giao hàng thì phần của nhân viên nào thì nhân viên đó tự nhận. Các cấp khác sẽ không cần phải phân loại cho nhân viên nữa. Đây là hướng đi lâu dài mà Lazada đang nhắm tới.
Để làm được việc này, hệ thống giao hàng tự động phải phức tạp hơn rất nhiều. Hiện nay, hệ thống phân loại hàng hóa tự động đang chia theo hub, mà để từng hub chia đến từng tuyến và khu vực thì cần phải có nhiều postal code. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc sử dụng postal code cho vận chuyển vẫn chưa phát triển. Dù khó nhưng không phải không làm được.
Trong đợt Cách Mạng Mua sắm tháng 11 của Lazada, hệ thống này đã giúp Lazada phân loại hàng hóa như thế nào? Có phải thành công từ đợt mua sắm này nhờ vào hệ thống phân loại này?
Lazada là trang thương mại điện tử, thế nên Lazada gặt hái được thành công vào dịp 11/11 trên cơ sở niềm tin của khách hàng dành cho Lazada. Trong khi đó, logistic là xương sống Lazada. Hệ thống phân loại hàng hóa tự động cũng là một phần trong chuỗi logistic của Lazada, đóng góp vào sự thành công cho chiến dịch vừa rồi.
Logistic của Lazada và LEX luôn luôn hướng đến quy trình tự động hóa các công đoạn để giúp việc vận hành chuẩn hơn, nhanh hơn và sức người bỏ ra ít hơn.
Với hệ thống phân loại hàng hóa này, khách hàng sẽ được hưởng lợi như thế nào khi mua hàng qua Lazada? Hệ thống này có giúp việc giao hàng trở nên nhanh chóng hơn hay không?
Khi sử dụng hệ thống này, việc chia chọn hàng hóa sẽ nhanh hơn, chính xác hơn. Trước đây, khi sử dụng thủ công thì việc chia hàng có thể gặp nhiều sai sót và nhận hàng trễ hơn thì nay hàng hóa đến chính xác và kịp thời hơn.
Với quy trình thủ công, khi đơn hàng tăng lên sẽ kéo dài rất nhiều thời gian. Thế nhưng, khi vận hành hệ thống này, việc chia chọn hàng hóa sẽ tiết kiệm thời gian rất nhiều. Từ đó, khách hàng nhận hàng sẽ nhanh hơn rất nhiều.