Lệch pha cung cầu, liên tục đề xuất đẩy mạnh phát triển nhà ở vừa túi tiền trong thời gian tới
Những thông tin như siết nhà ở cao cấp, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà vừa túi tiền đang được đề cập khá nhiều ở thời điểm này.
- 25-04-2020Mua nhà online: Xu hướng mới thời Covid-19
- 25-04-2020Bộ Xây dựng muốn siết dự án bất động sản cao cấp mới
- 25-04-2020Mặt bằng bán lẻ Hà Nội đứng trước nguy cơ giảm giá thuê
Mới đây, trong báo cáo tình hình hoạt động xây dựng gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng đánh giá, cơ cấu hàng hóa BĐS chưa phù hợp với nhu cầu thị trường theo hướng dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu, tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường BĐS, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Tình hình thị trường BĐS đang diễn biến theo hướng nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 28 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội ngay từ năm 2020, sau dịch Covid-19; đồng thời các doanh nghiệp BĐS cần chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển BĐS xanh và thông minh, hướng vào sản phẩm nhà ở có giá trung bình, nhà ở có giá vừa túi tiền (affordable housing), nhà ở giá thấp (low-cost housing). Điều này là để tạo cú huých phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư…
Riêng với Tp.HCM, HoREA đề xuất UBND Tp.HCM hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng bền vững sau đại dịch, cụ thể: Đề nghị UBND TP cân nhắc, ban hành Quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp, phù hợp với các quy định pháp luật và phù hợp thực tiễn; Đề nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại; đề xuất giải quyết dứt điểm việc tính tiền sử dụng đất, đối với phần diện tích tầng hầm vượt ra ngoài diện tích khối đế xây dựng của tòa nhà chung cư dự án nhà ở thương mại, để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và được làm sổ đỏ cho người mua nhà.
Đối với trường hợp dự án nhà ở thương mại mà chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính (bổ sung), do điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, dẫn đến việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm xác định tiền sử dụng đất (bổ sung), dẫn đến thiệt hại quyền lợi của người mua nhà, HoREA đề nghị UBND chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường ưu tiên cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) cho khách hàng mua căn hộ chung cư của dự án, với điều kiện chủ đầu tư có văn bản đề nghị cấp sổ đỏ cho khách hàng và cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Ngoài ra, HoREA đề nghị UBDN TP chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương tổ chức thực hiện đấu giá ngay 55 lô đất còn lại thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu đất đã giải phóng mặt bằng; đấu thầu các dự án hạ tầng, các dự án có sử dụng đất để tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố thực hiện Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị, và thực hiện Đề án phát triển đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.