MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lịch sử chứng minh, thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành

Lịch sử chứng minh, thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành

SBV tuyên bố hạ lãi suất điều hành, VN-Index thường phản ứng tích cực trong ngắn hạn.

Trong ngày 31/03/2023, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã cùng lúc ban hành 5 quyết định giảm lãi suất, trong đó có Quyết định số số 574/QĐ-NHNN về việc hạ lãi suất tái cấp vốn 0,5% từ mức 6% xuống 5,5%.

Quyết định này được đưa ra sau 2 tuần kể từ quyết định hạ lãi suất tái chiết khấu 1%. Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ gặp thách thức không nhỏ khi mà thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) chỉ ra rằng lãi suất điều hành và VN-Index thường có xu hướng ngược nhau. Khi SBV hạ lãi suất điều hành, TTCK Việt Nam có xu hướng đi lên sau đó và ngược lại.

Lịch sử chứng minh, thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành - Ảnh 1.

Nhìn vào số liệu thống kê quá khứ, trong những lần SBV tuyên bố hạ lãi suất điều hành, VN-Index thường sẽ có phản ứng tích cực trong ngắn hạn, tăng trung bình 0,46% trong phiên hôm sau và 1,2% trong một tháng sau.

Lịch sử chứng minh, thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành - Ảnh 2.

Về các nhóm ngành, BSC dẫn chứng diễn biến 3 lần SBV công bố hạ lãi suất điều hành gần đây nhất, là ngày 12/05/2020, 30/09/2020 và 14/03/2023, trong đó ngày 14/03/2023 SBV công bố hạ lãi suất tái chiết khấu 1%, còn đối với hai lần còn lại, SBV đồng loạt hạ cả lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 0,5%. Kết quả, các nhóm ngành đều có phản ứng tích cực trong ngắn hạn đối với thông tin này, và hầu hết đều tăng điểm ngay trong phiên hôm sau.

Nhận định về nguyên nhân NHNN hạ lãi suất điều hành, nhóm phân tích đưa ra 3 lý do chính:

Thứ nhất, lạm phát tháng 3 tăng 3,35% so với cùng kỳ sau khi tạo đỉnh tháng 1 (+4,89% so với cùng kỳ) cho thấy dấu hiệu giá cả hàng hóa ổn định lại. Lạm phát cơ bản có dấu hiệu giảm nhẹ trong quý 1, báo hiệu tín hiệu tạo đỉnh của giá cả các loại hàng hóa cơ bản. Hiện tượng này tạo điều kiện cho SBV điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và bớt thắt chặt hơn.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng quý 1/2023 chỉ đạt 3,32%, cao hơn đúng quý 1/2020 và thấp hơn các quý còn lại trong giai đoạn 2011-2023. Với mục tiêu chính phủ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2023 thì áp lực tăng trưởng kinh tế có thể tạo động lực cho SBV hạ lãi suất nhằm giảm mức độ thắt chặt lên tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, tỷ giá USD/VND vẫn giữ ở mức ổn định từ khi SBV hạ lãi suất tái chiết khấu vào ngày 14/03/2022. Tính đến ngày 31/03/2023, tỷ giá USD/VND đã giảm -0,5% so với thời điểm ngày 14/03/2023.

"Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và lạm phát dần ổn định lại đang là các dấu hiệu cho chính sách tiền tệ hướng về tăng trưởng kinh tế", báo cáo nêu rõ. 

Đánh giá tác động của động thái hạ lãi suất điều hành của SBV, chứng khoán BSC cho rằng các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi do chi phí sử dụng dòng vốn thấp, từ đây cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. 

Với người tiêu dùng, bởi chi phí vay vốn ở mức thấp nên người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn. HIện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, dòng vốn vào thị trường tài chính cũng sẽ được cải thiện khi mức lãi suất huy động không còn hấp dẫn và cơ hội đầu tư xuất hiện ở thị trường chứng khoán và bất động sản.

Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND lại là yếu tố đáng lo ngại khi lãi suất qua đêm của USD và VND có mức swap âm khá lớn. Đây thường là chỉ báo cho việc đồng USD tăng giá do mức lãi suất USD lớn hơn VND sẽ dẫn đến dòng vốn ngoại hối nóng chảy ra khỏi nền kinh tế.

Dương Ngọc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên