Liên Hiệp Quốc mua lại siêu tàu ngăn thảm họa tràn dầu ngoài khơi Yemen
Liên Hiệp Quốc đã mua lại con tàu cũ kỹ có tên FSO Safer với hy vọng sẽ ngăn chặn thảm họa tràn dầu ra môi trường ở ngoài khơi bờ biển Yemen.
BBC mô tả FSO Safer được chế tạo như một siêu tàu chở dầu vào năm 1976. Tuy nhiên, nó đã bị bỏ lại ngoài khơi TP Hodeidah của Yemen từ năm 2015. Con tàu cũ kỹ dài 376 m thuộc sở hữu của công ty chở dầu lớn Euronav và hiện chứa ước tính 1,14 triệu thùng dầu thô.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo con tàu chở dầu có tuổi thọ 47 năm này đang bị rỉ sét, có nguy cơ sớm hỏng hoặc phát nổ, sẽ gây sự cố tràn dầu ngoài khơi bờ biển Yemen.
Tàu FSO Safer đã bị bỏ hoang ngoài khơi Yemen từ năm 2015 và đang chứa 1,1 triệu thùng dầu thô. Ảnh: BBC
Vì thế, sau khi kêu gọi huy động vốn cộng đồng hồi tháng 6 năm ngoái, nay Liên Hiệp Quốc quyết định mua lại con tàu FSO Safer.
Quyết định trên được Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) Achim Steiner công bố hôm 9-3.
"Việc mua lại FSO Safer đánh dấu giai đoạn khởi đầu của kế hoạch loại bỏ toàn bộ số dầu trên con tàu để bảo vệ môi trường và nhân đạo" - ông Achim Steiner nói và thêm rằng đây là một "bước đột phá lớn".
UNDP đánh giá nếu để xảy ra sự cố tràn dầu từ tàu FSO Safer sẽ tàn phá cộng đồng ngư dân trên bờ biển Đỏ của Yemen, có khả năng ngay lập tức cướp mất kế sinh nhai của 200.000 người. Toàn bộ cộng đồng sẽ tiếp xúc với các chất độc đe dọa đến tính toán mạng. Không khí ô nhiễm cao sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc cũng nhận định thêm rằng nếu để xảy ra sự cố tràn dầu từ tàu FSO Safer thì việc khắc phục hậu quả của nó có thể tiêu tốn tới 20 tỉ USD.
Liên Hiệp Quốc đã tìm kiếm giải pháp toàn diện trong nhiều năm và kêu gọi cộng đồng đóng góp vốn mua lại tàu. Kế hoạch dự kiến cần số tiền 129 triệu USD, trong đó mới nhận được 75 triệu USD, còn 20 triệu USD khác đã được cam kết.
Do đó, Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc Achim Steiner nhấn mạnh vẫn có thể hủy bỏ việc mua lại con tàu FSO Safer nếu họ không huy động đủ tiền, theo BBC.
Người Lao động