Liên kết FDI và doanh nghiệp trong nước ở Việt Nam thua Lào, Campuchia
Năng lực hấp thụ công nghệ Việt Nam còn hạn chế, liên kết doanh nghiệp FDI và trong nước lỏng lẻo, thua cả Lào và Campuchia.
- 03-07-2018“Chiến lược mới” cho FDI
- 02-07-2018Dự án thành phố thông minh đẩy vốn FDI đăng ký tăng cao
- 27-06-2018FDI 6 tháng: Vốn ‘dầy’ qua cửa M&A
Vấn đề kết nối yếu kém giữa 2 thành phần kinh tế FDI và doanh nghiệp trong nước đã các chuyên gia trong và ngoài nước, cũng như các doanh nghiệp đưa ra "mổ xẻ" trong nhiều năm qua nhưng dường như vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Việc chuyển giao công nghệ ở khu vực FDI chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. (Ảnh minh họa: KT)
Khu vực FDI cứ như "ốc đảo"?
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 khai mạc sáng nay (4/7) tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn nghiên cứu của WEF cho biết, năng lực hấp thụ công nghệ Việt Nam xếp thứ 93, liên kết doanh nghiệp FDI và trong nước lỏng lẻo, thua cả Lào và Campuchia.
Lũy kế đến nay, có 25.953 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 331,24 tỷ USD. Song, vì liên kết còn lỏng lẻo, nên chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI sang khu vực nội địa còn chậm, chưa được như kỳ vọng. Cũng do liên kết yếu nên giá trị gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 80,9 tỷ USD trong 6 tháng qua của khu vực FDI không lớn.
Chủ tịch VCCI nhận định, khu vực FDI như "ốc đảo" trong nền kinh tế Việt Nam, chưa liên kết chặt chẽ được với các doanh nghiệp nội. Hệ số chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp Việt thuộc top đáy thế giới, đứng thứ 87 trong số 137 nền kinh tế được khảo sát.
Ông Lộc chỉ rõ nguyên nhân là do lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa đủ mạnh, đạt chuẩn mực để có thể kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam rất vất vả tìm các nhà cung cấp địa phương. Đó là một trong những vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ông Lộc lưu ý.
FDI tạo sức ép cho doanh nghiệp nội
Ở khía cạnh khác, ông Kyle F. Kelhofer - Giám đốc Quốc gia cao cấp phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, doanh nghiệp FDI đang tạo sức ép để doanh nghiệp Việt Nam quyết liệt tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng quản trị theo chuẩn quốc tế.
Ông Kyle F.Kelhpfer đánh giá, những đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế Việt Nam là quan trọng. Tuy nhiên, để đa dạng nguồn vốn đầu tư từ khu vực FDI và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần có sự thay đổi, về việc thu hút đầu tư đa dạng nhà đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tạo lợi ích chung.
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam mới đây, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới đã được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng.
Việt Nam hướng tới thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh./.
VOV