Liên kết vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên: Cần thêm chính sách cho du lịch
Liên kết vùng du lịch ở Nam Trung Bộ - Tây Nguyên dù có những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách.
- 12-04-2019Thủ tướng nêu 3 chữ ‘C’ quan trọng để phát triển du lịch
- 12-04-2019Nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu
- 07-04-2019Phó Thủ tướng: Quảng Bình có cách làm sáng tạo, đã đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra với thế giới
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng liên kết trong phát triển du lịch là hết sức cần thiết. Nòng cốt của liên kết vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chính là doanh nghiệp du lịch của các địa phương trong vùng.
Có cạnh tranh mới phát triển
Theo TS Trần Du Lịch, việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành sẽ tạo nên khả năng cạnh tranh cao hơn, nâng cao khả năng thu hút đầu tư và khách du lịch đến địa bàn liên kết với tư cách là một điểm đến thống nhất. Cụ thể, liên kết vùng là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch nhờ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các tỉnh, thành, thậm chí giữa các quốc gia với nhau. Đặc biệt, khi những địa phương có chung mục tiêu phát triển, tương đồng về tự nhiên và văn hóa mang tính đặc thù của vùng lãnh thổ.
Đơn cử như Nha Trang - Khánh Hòa, đây là địa phương có vai trò trong triển khai liên kết vùng, ảnh hưởng rộng đến các chỉ báo phát triển, hình ảnh cả vùng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2018, lượng khách đến Nha Trang - Khánh Hòa đạt 6,3 triệu lượt, do đó địa phương này được xác định là một cực quan trọng của liên kết vùng "Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt" hay "Tam giác tăng trưởng du lịch" khu vực phía Nam là TP HCM - Đà Lạt - Nha Trang. Nhưng ở chiều ngược lại, phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Lâm Đồng - Tây Nguyên cũng là điều kiện và cơ hội để du lịch Khánh Hòa bứt phá, thực hiện mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ngoài ra, liên kết vùng hiện nay sẽ giảm được nguy cơ của tình trạng phát triển nóng, thiếu kiểm soát của khách Trung Quốc và Nga và sự sụt giảm các thị trường trọng điểm là Tây Âu, Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, giảm được nguy cơ tác động của du lịch đại chúng dẫn đến tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, suy thoái về môi trường và gây nên bức xúc trong cộng đồng địa phương đối với hoạt động du lịch do "sức chịu" đã tới hạn như Nha Trang, Đà Lạt.
Vai trò lớn của Chính phủ và địa phương
TS Trần Du Lịch cho rằng liên kết vùng giữa Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cho dù đã có được một số kết quả tích cực bước đầu như sự liên kết hạ tầng du lịch giữa Nha Trang và Đà Lạt nhưng vẫn còn mờ nhạt. Hay liên kết của một số địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ còn mang nặng tính cam kết về hình thức mà chưa có được một kế hoạch với những mục tiêu và lộ trình thực hiện rõ ràng.
Nguyên nhân có thể kể đến do chính quyền chưa nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của liên kết vùng, thiếu sự chủ động tiếp xúc, trao đổi về các nội dung liên kết phát triển du lịch một cách cụ thể; nguồn lực cho liên kết phát triển du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn hạn chế. Vai trò tác nhân và "nhạc trưởng" của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Tổng cục Du lịch trong thúc đẩy hợp tác liên kết vùng thông qua một số dự án hỗ trợ cụ thể để phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn hạn chế.
Do vậy, Chính phủ cần ưu tiên xem xét và hỗ trợ như: nâng cấp hạ tầng, đặc biệt cửa khẩu quốc tế hàng không, các cảng biển du lịch và hệ thống giao thông kết nối các điểm đến du lịch cấp quốc gia với hạt nhân/trung tâm của vùng du lịch; tổ chức, đối ứng ngân sách cho các dự án, chương trình liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch… Bên cạnh đó, cần thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các thành viên là lãnh đạo các địa phương trong vùng.
Bên cạnh đó, cần tạo kênh đối thoại giữa lãnh đạo các địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ để thống nhất nhận thức, qua đó có được sự đồng thuận trên cơ sở tầm nhìn về những lợi ích dài hạn sẽ có được khi tham gia liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có tính đến liên kết với vùng Tây Nguyên.
"Bản chất liên kết du lịch nói chung và liên kết phát triển sản phẩm du lịch nói riêng là hướng tới các mục tiêu kinh tế, vì vậy nòng cốt của liên kết vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phải là các doanh nghiệp du lịch của địa phương trong vùng. Tuy nhiên, cũng cần có sự cam kết liên kết giữa chính quyền của các địa phương trong vùng bởi chính họ là người tạo cơ chế chính sách, môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động liên kết phát triển du lịch của vùng" - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
230.000 lượt khách từ Nha Trang đi Đà Lạt
Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết thực hiện Chương trình hợp tác liên kết Nha Trang - Đà Lạt (Lâm Đồng), bình quân hằng năm các doanh nghiệp lữ hành Khánh Hòa tổ chức đưa khoảng hơn 230.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan Đà Lạt. Các đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển đã chủ động trong việc liên kết xây dựng các tour tuyến đặc thù theo hướng du lịch sinh thái biển - sinh thái rừng để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Người lao động