MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên tiếp tạo tốc độ lợi nhuận cao, TPBank vẫn chủ động cân đối dư địa lớn cho tăng trưởng

30-07-2019 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu như ngân hàng số là một trong những động lực ưu thế thúc đẩy tăng trưởng, thì nền tảng tài chính và các cân đối hoạt động của TPBank giữ một không gian lớn cho tiềm năng tiếp tục tăng trưởng.

6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tiếp tục tạo ấn tượng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hàng đầu hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, đạt trên 58% so với cùng kỳ năm trước. Liên tiếp nhiều quỹ đạt mức tăng trưởng cao, cùng tín dụng đã mở rộng hết chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao (13%), liệu hoạt động của TPBank có đang bị kéo căng hay không?

Sở hữu không gian tăng trưởng tiềm năng

Là một trong số ít những NHTM đầu tiên đạt Basel II trước thời hạn, không gian tăng trưởng tín dụng nói trên của TPBank dự kiến sẽ được nới rộng thêm, như cam kết mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm dành cho những thành viên sớm đạt chuẩn quốc tế này.

Đó mới là một chỉ tiêu. Còn triển vọng chung, qua nửa đầu 2019, và nhất là sau các quý liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận cao, các lõi hoạt động của TPBank có bị kéo căng, hay dư địa để tiếp tục gia tăng có bị hạn hẹp hoặc thậm chí cạn kiệt đi khi đặt trong các giới hạn quy định?
Câu trả lời sau 6 tháng đầu năm 2019: TPBank đang sở hữu các cân đối sung túc, với một không gian tăng trưởng tiềm năng mà không nhiều NHTM hiện có được.

Cũng ở chỉ tiêu tín dụng, mặc dù đẩy tăng trưởng tới 13% nửa đầu năm nay, nhưng chính TPBank lại đang có một tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) khá thấp, chỉ khoảng 71% theo quy định Thông tư 36, trong khi giới hạn là 80%.

Và tại thời điểm này, khi giới hạn tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từng bước siết lại từ 45% xuống 40%, cũng như Ngân hàng Nhà nước đang tính lộ trình tiếp tục giảm thêm, thì tại TPBank đến 30/6/2019 chỉ khoảng 25%.

Đây là không gian tài nguyên quan trọng để ngân hàng có lợi thế xem xét gia tăng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn - phân khúc có lãi biên cao hơn và gắn với tín dụng bán lẻ như cho vay mua nhà, ôtô…, khi mà nhiều ngân hàng khác đã trở nên chật vật trong giới hạn.
Còn với tỷ lệ an toàn vốn (CAR), là thành viên sớm chủ động áp chuẩn Basel 2, TPBank duy trì trên 9%. Ngân hàng này sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, tỷ lệ CAR tiếp tục được củng cố bên cạnh việc gia tăng nguồn lực mới cho tăng trưởng.

Dáng dấp của một vị thế lớn

Tính đến 30/6/2019, TPBank có tổng tài sản 145.712 tỷ đồng. Quy mô này thuộc tầm trung trong hệ thống các NHTM Việt Nam, và tất nhiên còn xa so với nhóm "ông lớn" đã đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Nhưng, diễn biến hoạt động tại TPBank đang cho thấy dáng dấp của vị thế mới, nhìn ở kết quả nửa đầu năm nay.

Là một thành viên trẻ, nếu tính từ thời điểm tự tái cơ cấu xong để thực sự trở lại thị trường thì TPBank mới chỉ có hơn 3 năm tăng tốc. Nhưng, một trong những ấn tượng tại thành viên trẻ này là đã nhanh chóng xây dựng được nền tảng khách hàng lớn và giá trị. Điều này thể hiện ở tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã đạt đến mức 30% trong cơ cấu vốn huy động.
Tỷ trọng CASA cao một mặt phản ánh độ dày khách hàng và hiệu quả thu hút trong sản phẩm dịch vụ. Mặt khác, quan trọng hơn, nó giúp pha loãng chi phí huy động, tạo vị thế cạnh tranh trong cho vay hoặc chuyển tiếp giá trị vào lợi nhuận.

Cũng ở huy động, nửa đầu năm nay TPBank đạt tăng trưởng khá cao với 11% ở thị trường 1, trong khi định vị cạnh tranh lãi suất chỉ ở mức độ tầm trung của thị trường tại các kỳ hạn.
Hay ở một kết quả khác, chưa đạt đến tầm phủ kín mạng lưới khắp cả nước, dày đặc tại các đô thị theo cách phát triển truyền thống như nhiều "ông lớn", tại TPBank một dịch vụ trong tiếp cận khách hàng và bán chéo sản phẩm vẫn trở nên nổi bật là bảo hiểm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, thành viên này đã thu về hàng trăm tỷ đồng từ dịch vụ bảo hiểm.

Mở rộng mạnh mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch theo cách truyền thống không phải là chiến lược trọng điểm của TPBank. Ngay từ đầu, thành viên trẻ này xác định thúc đẩy mũi nhọn ngân hàng số để tạo vị thế cạnh tranh, và nay đã tạo được vị thế lớn chứ không còn dáng dấp nữa.
Thực tế, thành công ở chiến lược phát triển ngân hàng số giúp TPBank tạo giá trị CASA nói trên, góp phần giúp tỷ trọng thu nhập thuần ngoài lãi chiếm tới 30% cơ cấu. Và quan trọng nhất, ngân hàng số giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và chi phí hoạt động so với kênh truyền thống, đặc biệt về nhân sự, để góp phần lý giải cho lợi nhuận TPBank có tốc độ tăng trưởng cao những kỳ vừa qua.
Đáng chú ý, ở hướng đi chiến lược ngân hàng số, trong khi đến 2019 nhiều NHTM lớn nhỏ mới bắt đầu triển khai đề án phát triển, thì TPBank đã sớm khẳng định vị thế lớn cũng như hướng đến các mục tiêu tăng trưởng mới.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên