Liều ăn nhiều: SpaceX đã có lãi, tương lai thành 'kẻ thống trị vũ trụ' của Elon Musk không còn xa
Bất chấp những lời nghi vấn hay sự rủi ro khi đầu tư vào mảng kinh doanh hoàn toàn mới, Elon Musk lại một lần nữa chứng minh bản thân đã đúng, tương tự như những gì ông từng làm với ngành xe điện.
- 13-07-2023Trung Quốc tiếp tục khiến thế giới kinh ngạc: Vượt mặt SpaceX, phóng thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu chưa từng có
- 27-05-2023Trung Quốc có nhà máy tên lửa lớn nhất nhì thế giới: Sắp ra mắt sản phẩm vũ trụ 'giá rẻ', có thể sản xuất 50 tên lửa/năm, sẵn sàng 'vượt mặt' SpaceX
- 13-05-2023Twitter đang ngày càng giống SpaceX
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), đế chế vũ trụ của tỷ phú Elon Musk là SpaceX cuối cùng cũng công bố khoản lãi nhỏ trong quý I/2023 sau 2 năm lỗ ròng, qua đó chứng minh tầm nhìn của người đàn ông giàu nhất thế giới.
Cụ thể, SpaceX có 55 triệu USD lợi nhuận trong tổng doanh thu 1,5 tỷ USD đến hết quý I/2023.
Khoản lãi nhỏ này dù không lớn nhưng đã cho thấy Elon Musk hoàn toàn chính xác khi đổ tiền cho mảng kinh doanh vũ trụ vốn còn quá mới mẻ cũng như nhận được vô số sự hoài nghi.
Suốt 2 năm qua, SpaceX đã lỗ ròng nhưng các khoản lỗ đều giảm dần để rồi bắt đầu có lãi, qua đó cho thấy tiềm năng phát triển cũng như tầm nhìn của nhà sáng lập Tesla.
Kẻ thống trị vũ trụ?
Tương tự như Tesla, Elon Musk đã sáng lập nên SpaceX hơn 20 năm trước với tham vọng tạo nên cuộc cách mạng cho ngành vũ trụ.
Hiện đế chế của vị tỷ phú giàu nhất thế giới này đang thống trị ngành tên lửa đẩy thương mại ở Mỹ cũng như xây dựng được mạng lưới vệ tinh viễn thông-Internet lớn nhất thế giới.
Thậm chí, hiện Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đang phải phụ thuộc vào SpaceX khi không có bất kỳ sự thay thế nào cho những chuyến bay đưa phi hành gia đến và đi từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS ngoài các đợt phóng của nhà Elon Musk.
Sự thành công của SpaceX tiếp tục khiến cái tên Elon Musk thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi ông đã tạo nên cuộc cách mạng xe điện cùng Tesla, đồng thời đang cố gắng xây dựng siêu ứng dụng X từ thương vụ 44 tỷ USD mua lại Twitter.
Việc đảm nhiệm cùng lúc hàng loạt chức danh và điều hành quá nhiều doanh nghiệp khiến mọi người vừa nể phục cũng như lo lắng cho khả năng duy trì hiệu quả của người đàn ông giàu nhất hành tinh.
Quay lại với SpaceX, doanh nghiệp này đã tăng trưởng mạnh kể từ những ngày đầu thành lập nhờ danh tiếng của Elon Musk, nhưng giờ đây khi kinh doanh đi vào quỹ đạo và tầm nhìn của ông chủ Tesla đã đúng thì định giá của hãng còn tăng cao hơn nữa.
Trong đợt phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên gần đây, SpaceX được định giá khoảng 150 tỷ USD, tương đương với giá trị hiện hành của Intel hay Disney.
Trái với các ông lớn khác, SpaceX là công ty tư nhân, không niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nên được quyền giữ bí mật về các thông tin tài chính của mình.
Thông tin của WSJ có được cùng là từ nguồn tin riêng và hiện chưa có một thông báo chính thức nào về các khoản lãi, lỗ của SpaceX được đưa ra.
Thậm chí nhiều nhà đầu tư cho doanh nghiệp này còn nhận định đây là một khoản “đặt cược” dài hạn cho danh tiếng của Elon Musk hơn là quan tâm đến kết quả kinh doanh.
Chính niềm tin vào việc Elon Musk sẽ tạo nên một “Tesla thứ 2” trong ngành vũ trụ cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy dòng vốn đầu tư cho SpaceX.
Từ lỗ đến lãi
Lần cuối cùng SpaceX công khai báo cáo tài chính là hơn 6 năm trước, kể từ đó đến nay hãng này luôn giữ bí mật tình hình kinh doanh.
Nguồn tài liệu mà WSJ tham khảo được cho thấy đế chế nhà Elon Musk đã chi đến 3,3 tỷ USD năm 2021 và 5,2 tỷ USD năm 2022.
Tăng chi tiêu là vậy nhưng doanh thu cũng nâng cấp đôi lên 4,6 tỷ USD, qua đó giúp khoản lỗ của hãng giảm từ 968 triệu USD năm 2021 xuống còn 559 triệu USD năm ngoái.
Như đã nói ở trên, nguồn tiền đầu tư dựa trên danh tiếng của Elon Musk cũng như kỳ vọng vào một “Tesla thứ 2” đã giúp SpaceX hoạt động như một công ty tư nhân, chưa cần phải niêm yết công khai trên sàn chứng khoán để gọi vốn.
Nhờ đó doanh nghiệp của vị tỷ phú giàu nhất thế giới có thể hoạt động tự do cho các dự án mình muốn, hạn chế được sự can thiệp từ bên ngoài.
Tuy nhiên chính điều này cũng khiến việc truy tra hoạt động kinh doanh cùng nguồn vốn của SpaceX trở nên khó khăn.
Thông báo năm 2022 cho thấy doanh nghiệp này đã gọi vốn 2 tỷ USD từ việc phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên, cao hơn so với 1,5 tỷ USD năm 2021.
Nhiều chuyên gia nhận định SpaceX chắc chắn sẽ lỗ ròng suốt nhiều năm hoạt động bởi họ cần đổ lượng lớn nguồn vốn phát triển công nghệ ở mảng kinh doanh mới, qua đó đạt được những ưu thế vượt trội thì mới có thể thống trị thị trường và thu lợi nhuận như những gì Tesla từng làm trong ngành xe điện.
Nguồn tin của WSJ cho thấy trong năm 2021 và 2022, SpaceX đã chi tổng cộng 5,4 tỷ USD để mua mặt bằng bất động sản, thiết bị cùng những chi phí nghiên cứu khác.
Một phần lớn chi phí được đổ vào dự án phát triển Starship, những tên lửa đẩy mang thương hiệu của SpaceX.
Vào tháng 4/2023, cuộc thử nghiệm Starship đầu tiên của Elon Musk đã thất bại khi nổ tung trên bầu trời chỉ 4 phút sau khi phóng từ mặt đất.
Hãng hiện không được phép thử bất kỳ đợt phóng nào nữa cho đến khi đảm bảo với các cơ quan chức năng về mức độ an toàn của sản phẩm.
Ngoài Starship, Elon Musk còn đổ tiền đầu tư cho mạng lưới vệ tinh tư nhân Starlink lớn nhất thế giới của mình, đồng thời mở thêm nhà máy tại Texas để tận dụng khoản hỗ trợ ngân sách từ Đạo luật chống lạm phát (IRS) của chính phủ Mỹ.
Theo WSJ, SpaceX trong năm 2022 đã chi đến 3,1 tỷ USD cho các khoản như nhân công, nguyên vật liệu...cao hơn so với 1,6 tỷ USD của năm trước đó. Chi phí nghiên cứu của hãng năm ngoái là vào khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Sự thành công của SpaceX hiện nay chủ yếu đến từ dòng tên lửa đẩy mang vệ tinh Falcon cũng như việc hãng đi trước nhiều doanh nghiệp khác, trong khi các đối thủ bị trì hoãn vì công nghệ cũng như những rào cản về giấy phép.
Nhờ những thành công trên thị trường mà SpaceX đã có thể chi 153 triệu USD để mua lại cổ phiếu, giúp nhân viên thanh khoản thành tiền khoản cổ phiếu thưởng trước đó của mình.
Ngoài ra hãng cũng chi 524 triệu USD để mua lại hãng vệ tinh Swarm Technologies vào năm 2021.
*Nguồn: WSJ
Nhịp sống thị trường