MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu đây có phải là lời giải cho câu hỏi hóc búa giáo dục thời dịch Covid-19?

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên đi học hay không là câu hỏi hóc búa của nhiều bậc phụ huynh, học sinh, và sinh viên. Liệu tất cả học sinh sinh viên có thể không cần đến trường nhưng cũng không nghỉ học? - TS Nguyễn Xuân Khánh, chuyên gia công nghệ giáo dục, ĐH Oulu Phần Lan đặt câu vấn đề. Anh Khánh cũng là thành viên của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).

Theo TS. Nguyễn Xuân Khánh, việc lựa chọn hay cân bằng giữa giữ an toàn cho cá nhân, người thân với nguy cơ tạo ra lỗ hổng kiến thức trong quá trình học, đặc biệt cho các học sinh cuối cấp là bài toán khó với vô số cuộc tranh luận. 

Điều này lại càng đặc biệt khi chuẩn loại virus mới chưa có thông số cụ thể từ giới y khoa cũng như diễn biến dịch ngày càng phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới. Sự lan toả nhanh chóng của Covid-19 gây ra nổi ám ảnh bao trùm người dân trên khắp thế giới.

Điểm khó ở đây là ranh giới cân bằng giữa việc phòng chống vừa đủ, hợp lý mà không gây hoang mang, lo sợ. 

Do vậy, điều dễ hiểu khi các bậc phụ huynh, các lãnh đạo ban ngành và các trường cho học sinh sinh viên không phải lên lớp để đảm bảo an toàn khi quan sát thêm về Covid-19 trong giai đoạn chuyển biến phức tạp của nó.

Tuy nhiên, việc nghỉ học hoàn toàn khó đảm bảo tiến độ và chương trình học trong đợt dịch do virus corona gây ra và dễ gây ra nhiều hệ luỵ thời hậu dịch cho các học sinh sinh viên. 

Vì vậy, nhằm đảm bảo tiến độ và chương trình học, nhiều trường học, cơ sở giáo dục trong nước đã áp dụng hình thức dạy và học trực tuyến (online). 

Mô hình này còn khá mới mẻ cho phần lớn các học sinh sinh viên cũng như giáo viên trên cả nước, sự học online đã được hào hứng đón nhận bơi những lợi ích mà nó mang lại như sự thuận tiện trong việc tiếp cận bài giảng mọi lúc mọi nơi miễn sao có kết nối internet - theo quan điểm của TS. Nguyễn Xuân Khánh.

Giá trị của công nghệ 

Mùa dịch corona đã khẳng định rõ giá trị của công nghệ thông tin trong giáo dục, đặc biệt là các nền tảng học trực tuyến. 

Thế nhưng TS. Khánh cho rằng vẫn tồn tại nhiều khó khăn do thiếu nền tảng cho công nghệ số trong giáo dục như cơ sở hạ tầng công nghệ và mạng, thói quen tự chủ trong việc học online tự do, công tác chuyên môn trong giảng dạy online. 

Theo anh, một trong những yếu tố quan trọng nhất là văn hoá học truyền thống trên giấy và bụi phấn đã quen thuộc với nhiều giáo viên. Việc tối ưu hoá sử dụng các hệ thống học trực tuyến sẽ không được thực hiện cho đến khi các giáo viên quen thuộc với văn hoá sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng cho học sinh.

Mặc dù lợi ích lâu dài được khẳng định qua nhiều nghiên cứu và thống kê, vốn đầu tư ban đầu để việc áp dụng quán lý học online vào trường học thường bị lo ngại bởi vốn đầu tư ban đầu cho công nghệ và cho việc đào tạo giáo viên. 

Tuy nhiên, các hệ thống này ở các trường đại học trên thế giới đã chứng minh được lợi ích mang lợi so với lượng đầu tư. 

Các nghiên cứu về mô hình học kết hợp (blended learning) đã chứng minh được chất lượng vượt bậc so với cả mô hình thuần truyền thống hay chỉ online. Việc áp dụng các hệ thống quản lý học online vào trường học và sử dụng chúng hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục vươn tầm thế giới cần một chiến lược rõ ràng để mang lại kết quả tối ưu.

TS. Khánh cho rằng nếu việc học online có chiến lược ngay từ đầu thì đây sẽ là câu trả lời nhanh chóng cho câu hỏi: "có thể không cần đến trường nhưng cũng không nghỉ học?"

"Người bạn của tôi hiện đang giảng viên của đại học Auckland, Niu Di Lân (New Zealand) trò chuyện với tôi rằng nếu dịch có bùng phát thì vẫn có thể triển khai giáo án trực tuyến một cách dễ dàng với cơ sở hạ tầng thiết bị hiện tại và cũng như học sinh đã quá quen thuộc với việc học online để bổ trợ cho những buổi lên lớp. 

Bản thân tôi cũng từng trải nghiệm qua sự quen thuộc này khi là sinh viên ở đây 10 năm trước. Dù những lớp học tiếp xúc trực tiếp trên giảng đường vẫn luôn được giữ bởi những giá trị riêng của nó, chúng đều được ghi hình và phát sóng online không chỉ cho các bạn sinh viên thuận tiện học từ xa mà còn là công cụ ôn tập quan trọng. Nhiều nghiên cứu khoa học trong ngành giáo dục đã khẳng định lợi ích quan trọng việc sử dụng ghi hình bài giảng để hỗ trợ giảng dạy và học.

Có anh bạn khác hiện đang giảng viên của một đại học ở Phần Lan cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Mặc dù giáo dục Phần Lan rất chú trọng những bài học thực hành áp dụng trên lớp, việc dạy và học online cũng không quá xa lạ với các giảng viên và sinh viên. Kể cả trước khi thế giới biết đến Covid-19, việc dạy và học online là một phần trong chương trình giảng dạy song song với các tiết học thực hành trên lớp", anh viết. 

Số hoá giáo dục đã được quan tâm đúng mức? 

TS. Khánh cho biết việc kết hợp các nền tảng công nghệ số vào giáo dục chính quy một cách chiến lực có nhiềm tiềm năng to lớn. 

Các nghiên cứu khoa học và thức tế các nước với nền giáo dục phát triển đã chứng minh giá trị của số hoá giáo dục trong việc nâng cao chất lượng học và giảng dạy cũng như phát triển tính tự chủ học tập của học sinh sinh viên. 

Do vậy, bối cảnh hiện tại phải chăng là thời điểm cần nghiêm túc xem xét tầm quan trọng của số hoá giáo dục?

Giáo dục 4.0 chỉ có thể xây dựng trên một nền tảng vững chắc từ việc số hoá giáo dục. Cũng nhưng khi xây một căn nhà, nếu phần nền móng yếu thì căn nhà dù hoành tráng hay đẹp đẽ thế nào thì vẫn chỉ là cảnh quan bên ngoài tiềm tàng nhiều rủi ro và bất lợi bên trong.

"Giáo dục là vũ khí quan trọng nhất để thay đổi thế giới" là câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Trong chuyển biến nhanh chóng của thế giới và thời đại công nghệ số, số hoá giáo dục là điều tất yếu để nâng cao giáo dục và phát triển đất nước. Sức mạnh lớn nhất của công nghệ số không thể hiện qua sự phô trương những gì mới, mà sức mạnh lớn nhất của công nghệ số được thấy trong việc sử dụng hằng ngày như một phần của cuộc sống.

    
        Liệu đây có phải là lời giải cho câu hỏi hóc búa giáo dục thời dịch Covid-19? - Ảnh 1.     
    



Hà Thu (lược ghi)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên