Lễ “bái lạy” và tục lì xì tại Hàn Quốc

Trong 3 ngày nghỉ ngắn ngủi, hầu như tất cả mọi người đều về thăm quê. Và tết cũng trở thành “cuộc chiến” để về quê với những người dân Hàn Quốc. Một tháng trước tết, trên mạng Internet bắt đầu rao bán vé tàu tết, nhưng chỉ trong 4 ngày, lượng vé bán ra đã lên tới 1 triệu chiếc. Những người không mua được vé tàu chuyển sang đi xe buýt cao tốc hoặc dùng xe riêng, có khoảng hơn 2 triệu người dân rời thủ đô Seoul vào dịp tết. Do đó, tết ở Hàn Quốc còn được gọi là “cuộc đại di chuyển toàn dân”.

Vào dịp tết, những người họ hàng tập trung lại và làm lễ Sebae (lễ bái lạy). Các con cháu sẽ bái lạy người lớn tuổi và nhận lì xì đầu năm. Vì thế, tết cũng là một trong số ít những dịp lễ trẻ em chờ đón nhất trong năm. Ở Việt Nam, trẻ em không cần làm động tác cúi đầu chào khi nhận lì xì, nhưng người Hàn Quốc nhất thiết phải tiến hành lễ Sebae này. 

Ngoài ra, vào dịp tết, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống như Yut nori (một loại trò chơi trên mặt bàn dùng gậy gỗ), Hwatu nori (trò chơi bài). Tết là thời gian các gia đình Hàn Quốc sum vầy bên nhau. Do đó, những người không có gia đình thường rất đơn độc. Họ phải trải qua 3 ngày nghỉ tết một mình.

Tết Việt: “Bữa tiệc” của lời chúc phúc

Tết Nguyên đán ở Việt Nam phong phú hơn Hàn Quốc ở những câu chúc năm mới. Có thể nói, tết Việt Nam là bữa tiệc của những câu chúc và lời chúc. Nếu người Hàn Quốc chỉ đơn giản: “Chúc mừng năm mới”, thì người Việt Nam sẽ là: “An khang thịnh vượng; Ăn nên làm ra; Vạn sự như ý; Cầu được ước thấy; Phát tài phát lộc”. Bên cạnh đó, họ còn rất sáng tạo lời chúc, như: “Chúc năm mới: Tiền vào như nước sông Đà/ Tiền ra nhỏ giọt như càphê phin”. Sông Đà dài 900km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, khi đến Việt Nam nhập với sông Hồng. Có thể nói đây là câu chúc rất thuần Việt (thực ra, đây là câu ví von mới kể từ khi có Nhà máy thủy điện Hòa Bình - BT).

Cảnh thiền định tại các ngôi chùa Hàn Quốc.

Mong ước cầu phúc của người dân Việt Nam cũng được thể hiện rõ trong những từ ngữ đặc biệt. Nếu trong tên của một vật nào đó xuất hiện từ hay có phát âm tương tự như chữ “phúc”, người Việt Nam sẽ yêu thích và lựa chọn để bày trên mâm ngũ quả. Ví dụ như quả sung, vì nó có thể kết hợp thành các từ như “sung túc, sung sướng”. Ở Việt Nam, cá chép tượng trưng cho may mắn. Ngoài lý do cá chép hóa rồng như trong truyền thuyết, từ “cá” trong tiếng hán là “ngư”, âm “ng” và “d” khi phát âm gần giống nhau, và từ “ngư” khi phát âm nghe gần giống “dư”, nghĩa là dư dả.

Người Việt Nam không thích mèo, đặc biệt họ rất kiêng việc mèo lạ vào nhà mình. Vì, từ “mèo” phát âm gần giống “nghèo”, nên họ quan niệm mèo đến nhà là mang theo điều xui, sự nghèo hèn. Việc thấy mèo lang thang trên đường nên thương cảm và cho chúng ăn như ở Hàn Quốc, có lẽ sẽ bị coi là điều không nên làm (Đây là ý kiến của tác giả, không hẳn là người Việt ghét mèo và lại càng không có ý 2 âm gần nhau, dù người Việt có câu: Mèo vào thì khó, chó vào thì giàu - BT)

Số 6 trong tiếng Hán là “lục”, từ này phát âm gần giống với “lộc” - mang lại của cải nên người Việt Nam rất thích số 6. Ngoài ra còn một con số nữa mà người Việt cũng rất thích là số 8, theo tiếng Hán số 8 là “bát”, phát âm gần giống “phát” trong “phát triển”. Vì vậy người ta thường dùng tiền để mua được những số điện thoại hay biển số ôtô, xe máy có số 8 trong đó. Đặc biệt số có đuôi ba con 8 được gọi là số đại phát. Có số điện thoại như sau 090xxx7888, ba số cuối được đọc là “phát phát phát”, họ tin có số như vậy phúc lộc sẽ tràn đầy.

Còn người Hàn Quốc không thích số 4. Bởi số 4 trong tiếng Hàn phát âm là “sa” giống với phát âm của từ “tử”. Nên tầng 4 ở thang máy trong các tòa nhà xây trước đây đều được ghi là F (forth) thay cho số 4.

Người Hàn Quốc ngạc nhiên nếu... gặp nam giới đi lễ chùa

Người dân Việt Nam có truyền thống hành hương cầu phúc khi tết đến xuân về. Họ tin rằng phúc lộc trong một năm phụ thuộc vào ngày đầu năm mới, vì vậy tết ở Việt Nam luôn trở nên rộn ràng, đông đúc với những đoàn người hành hương cầu phúc. Đáp ứng nhu cầu người dân, ở Việt Nam đã xuất hiện các sản phẩm chương trình du lịch hành hương ngày tết. Nhiều nhóm bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp thuê xe riêng để viếng thăm những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam.

 Mọi người tin rằng, càng viếng được nhiều ngôi chùa thì họ sẽ càng nhận được nhiều phúc nên trong một ngày, họ thường cố gắng đi đến thật nhiều chùa. Người Việt Nam có câu: “Đi lễ cả năm không bằng rằm tháng giêng”, đó chính là tháng người Việt Nam hay đi hành hương cầu phúc.

Bên cạnh đó còn có những tour hành hương bằng thuyền như du thuyền hồ Tây đi thăm 5-6 ngôi chùa ven hồ. Đi bằng đường bộ có thể rất phức tạp và tốn thời gian, nhưng nếu đi bằng thuyền không cần lo ngại vấn đề giao thông mà quãng đường đi cũng ngắn, lại mang đến cảm giác lãng mạn, thơ mộng nữa. Tuy nhiên, để đặt những tour này phải đăng ký trước một năm.

Khác với người Việt Nam, người Hàn Quốc không đi lễ chùa vào dịp tết. Các đền, chùa ở Việt Nam thường được xây ở khu vực dân cư sinh sống, nên người dân có thể đi lễ chùa thường xuyên. Còn ở Hàn Quốc, các ngôi chùa được đặt ở vị trí trang nghiêm và tĩnh lặng sâu trên núi. Người Hàn Quốc không đi lễ ở nhiều chùa, mà chỉ đến một ngôi chùa để thiền rồi trở về. Người Hàn Quốc coi trọng “chất” hơn “lượng”. Người Việt Nam tin càng đi lễ được nhiều đền chùa càng nhận được nhiều phúc, còn người Hàn Quốc tin nếu ngồi thiền tâm càng tịnh thì ước nguyện của bản thân sẽ được đáp lời.

Ngoài ra, việc bắt gặp nhiều nam giới Việt Nam đi lễ chùa khiến người Hàn Quốc không khỏi mắt tròn mắt dẹt. Thông thường ở Hàn Quốc, chỉ nữ giới mới hay đi chùa, có thể nói chùa là địa danh cho những người phụ nữ qua độ tuổi trung niên tìm đến. Nhưng ở Việt Nam, có khoảng 40% người đi lễ chùa là nam giới. Thêm vào đó, có khá nhiều nam giới ở độ tuổi 20-30. Đây là cảnh khó thấy ở Hàn Quốc. Hầu như không có nam giới hay nữ giới Hàn Quốc ở độ tuổi 20 đi lễ chùa. Nhưng ở Việt Nam không phân biệt già trẻ, trai gái, mọi người đều đi chùa.