MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sưu tập nhà cổ: Cuộc chơi hai mặt

09-03-2014 - 12:00 PM |

Ra Giêng, trong hành trình chơi Xuân, nhiều người đến tham quan trạm dừng chân Vina House ở Điện Bàn (Quảng Nam).

Điểm dừng này đặc biệt vì ngoài dịch vụ về ẩm thực rất chuyên nghiệp cho du khách, nơi đây còn là bảo tàng về không gian kiến trúc Việt Nam. Không biết thì thôi, nhưng đã đến có lẽ ai cũng say mê ngay tức khắc những ngôi nhà cổ xưa với kiến trúc phong phú, những phong cách điêu khắc dân gian ở đây.

Người ít tiền thì chỉ ngắm, nhưng những ai có tiền tỷ, có vài ngàn mét vuông đất thì hầu hết đều không kìm hãm được tham vọng tái hiện một không gian nhà cổ làm nơi lui tới thư giãn cuối tuần. Chính trong những lúc trà dư tửu hậu ấy, nhiều vị khách đã dấy lên cái ước vọng chính đáng: muốn sở hữu một không gian quê kiểng sau một đời trải dài mệt mỏi với náo nhiệt phố phường.

Ước vọng ấy không dị biệt. Phong trào chơi nhà cổ đang rất "mốt". Đại gia chơi nhà vườn, nhà cổ không hiếm. Có những khu vườn ở Hà Tĩnh được tạo lập với chi phí lên đến trăm tỷ đồng vì nhà cửa và nội thất dùng toàn gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Có những quán cà phê ở Đà Nẵng được xây dựng với chi phí 400 tỷ đồng để nhằm tái hiện một không gian xưa cũ thu hút khách thập phương.

Những người chơi nhà cổ nổi tiếng nhất tập trung khá nhiều ở Huế. Họ đủ dồi dào về tài chính và chiều sâu văn hóa để giữ gìn những ngôi nhà và cả khuôn viên trên dưới trăm tuổi, với những tái hiện tỉ mỉ về phong tục tập quán thờ cúng, trưng bày nội thất khiến khách rất nể phục khi tham quan.

Bản thân chủ nhân cũng có thể tự hào về một phong cách chơi sang trọng mà vẫn góp phần bảo tồn văn hóa cũng như các giá trị tinh thần Việt.

Nhưng cũng có lúc cảm giác lỗi nhịp chợt đến khi bỗng gặp ngôi nhà sàn cổ xưa của dân tộc Mường trong một khu biệt phủ Huế. Vẫn biết văn hóa Mường là cái nôi của văn hóa người Kinh xưa, nhưng dựng nhà sàn Mường trong một biệt phủ xứ Huế, nơi cố đô phồn hoa với bề dày văn hóa tinh tế đất kinh kỳ rõ ràng là một sự gán ghép vụng về.

Dời một ngôi nhà cổ đến vùng đất mới là cuộc chơi văn hóa mạo hiểm, khi ngôi nhà ấy xa lạ với kiến trúc, trái ngược với khí hậu, và quan trọng là có thể mâu thuẫn về tập quán sử dụng dẫn đến những phá hủy cả về vật thể lẫn tinh thần ngôi nhà.

Thú chơi nhà cổ đang phát triển trên diện rộng hiện nay còn góp phần vào việc làm thất tán vốn nhà cổ quý hiếm của một vùng đất, làm diện mạo văn hóa của vùng đất ấy bị bào mòn, bị tổn thương.

Người viết bài từng chứng kiến một cuộc tháo dỡ 15 ngôi nhà sàn cổ ở vùng núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Biết rằng sẽ có một khu du lịch mọc lên ở đồng bằng hay ven biển với những ngôi nhà sàn đó, chủ nhân mới sẽ bảo vệ tốt kiến trúc những ngôi nhà cổ, nhưng vẫn cảm thấy buồn cho số phận một vùng đất đã không còn đủ sức giữ gìn những gì một thời được coi là đại diện cho bản sắc truyền thống của mình.

Và một lần khác, người viết bài chứng kiến một nhà sưu tập đi mua ngôi nhà cổ 200 tuổi ở vùng trung du Quảng Nam, nơi có nhiều ngôi nhà cổ vốn là những tác phẩm thể hiện tài hoa của thợ mộc Kim Bồng (Hội An). Sự quyến luyến, đau buồn của chủ nhân ngôi nhà đã làm người sưu tập chú ý.

Sau rất nhiều lần xem xét, nhà sưu tập quyết định không mua ngôi nhà ấy vì nó có nhiều giá trị đặc trưng kiến trúc của địa phương đó. Anh giúp chủ nhân một món tiền để sửa sang và bảo tồn ngôi nhà ngay trên mảnh đất cũ.

Câu chuyện này làm người viết cứ suy nghĩ mãi. Việc chơi nhà cổ hoàn toàn không giống như chơi xe cổ, đồ cổ. Dường như nó có những nguyên tắc riêng mà người chơi phải tự biết, tự tuân thủ để khỏi tốn tiền, phí công làm những việc đi ngược với các nguyên tắc bảo vệ văn hóa.

Theo Hồng Bích

duchai

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên