MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao người lớn không nhớ gì về lúc còn bé?

01-09-2014 - 19:14 PM |

Từ trước tới nay chưa có một nghiên cứu chính thống nào lý giải bí ẩn tại sao con người không thể nhớ về những gì xảy ra khi còn bé.

Theo một nghiên cứu thực hiện trên loài gặm nhấm, trí nhớ của động vật sơ sinh sẽ bị xóa hoàn toàn khi những tế bào não mới được hình thành.

Các phát hiện này có thể giải thích bí ẩn tại sao con người không thể nhớ gì khi còn rất bé.

Theo Thomas Insel, chuyên gia tâm thần học đồng thời là giám đốc của Viện Quốc gia về Sức khỏe tinh thần tại Bethesda, các nhà nghiên cứu đã thực hiện “một ca rất thú vị và hấp dẫn”. “Chưa ai từng nghiên cứu vấn đề này một cách kỹ càng cả”, ông phát biểu.

Hơn 100 năm trước, Sigmund Freud suy đoán rằng xu hướng quên đi thời bé của con người, còn gọi là chứng quên thời sơ sinh (infantile amnesia), có thể mang nguồn gốc tâm sinh dục. Sau đó các nhà khoa học lại cho rằng trí nhớ bắt nguồn từ ngôn ngữ, vì trẻ con thường bắt đầu có khả năng nhớ lâu vào khoảng thời gian chúng tập nói, nhà nghiên cứu Sheena Josselyn của Bệnh viện Nhi Toronto cho biết.

“Nhưng kì lạ là hầu hết các loài động vật khác cũng mắc chứng quên thời sơ sinh. Do đó, sự phát triển khả năng ngôn ngữ không thể là nguyên nhân chủ yếu được”, Josselyn nhận định.

Khi quan sát những đứa con mới chập chững tập đi của mình, Josselyn cùng chồng – nhà nghiên cứu Paul Frankland, luôn thắc mắc tại sao trẻ con không thể nhớ gì về các sự kiện xảy ra. Những ký ức này liên quan đến hồi hải mã (hippocampus). Đây một phần của não trước, chứa một nhà máy sản xuất tế bào nhỏ. Nhà máy này là bộ phận duy nhất của não sản xuất ra các nơ-ron mới. Các nhà khoa học tin rằng đây chính là nguyên nhân tạo nên kí ức.

Josselyn và Frankland biết rằng quá trình sản xuất tế bào đó sẽ giảm dần vào thời thơ ấu, khi các em bé đã lớn hơn. “Đó chính xác là thời điểm chúng ta bắt đầu hình thành những kí ức dài hạn”, Josselyn nói. 

Để tìm hiểu xem ký ức của con người có liên quan gì tới sự hình thành tế bào não mới hay không, nhóm nghiên cứu chuyển sang chuột, loài động vật cũng không nhớ gì khi còn quá bé giống như con người. Khi những con chuột lớn lên, tốc độ sản sinh nơ-ron chậm dần. Sự suy giảm này trùng khớp với lúc khả năng ghi nhớ xuất hiện. 

Nhóm nghiên cứu đặt những con chuột trưởng thành vào một căn phòng khác hẳn nơi ở trước đây của chúng với những sọc vằn trên tường và mùi giấm chua, đồng thời gây ồn bằng những tiếng giậm chân nhẹ. Đàn chuột trở nên sợ căn phòng, thậm chí đến 28 ngày sau, chúng vẫn co rúm khi bị đặt lại vào căn phòng đó.

Những con chuột non thì nhanh quên hơn. Một ngày sau khi bị sốc, nỗi sợ của chúng dần dần nhạt đi. Hành vi của chúng cho thấy sự sản sinh tế bào não có thể phá hủy quá trình ghi nhớ.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tiến hành đẩy nhanh quá trình sản xuất nơ-ron trong những con chuột trưởng thành.

Josselyn cùng các đồng nghiệp lại thả chúng vào căn phòng sơn sọc vằn và để chúng tùy ý chạy trên bánh xe nhiều ngày hoặc nhiều tuần liền. Chạy như vậy sẽ thúc đẩy sự sản sinh tế bào não trong vùng hồi hải mã. Và chỉ sau vài tuần, đàn chuột đã quên đi nỗi sợ căn phòng kia.

Các cách khác để tăng số lượng nơ-ron mới cũng giúp những con chuột trưởng thành quên đi nỗi sợ. Ngược lại, khi giảm sản sinh nơ-ron, những con chuột non sẽ nhớ lâu hơn.

“Thật đáng ngạc nhiên là chúng tôi có thể khiến những con chuột non nhớ lâu hơn chỉ bằng cách làm giảm sự sản xuất nơ-ron”, Josselyn cho biết.

Các phát hiện này đem lại bước ngoặt về vai trò của quá trình sản xuất nơ-ron trong vùng hồi hải mã: Thay vì chỉ tạo ký ức mới, như các nhà khoa học thường nghĩ, sự hình thành các tế bào não có thể làm động vật mất trí nhớ.

Phát hiện trên “trái ngược với quan điểm của tất cả những người khác”. Chuyên gia tâm thần học Insel nhận xét: “Điều đó sẽ trở nên rất thú vị”.

“Có thể quên không phải là xấu”, Josselyn cũng cho biết, “Sẽ tốt hơn nếu ta quên đi một vài ký ức không quan trọng”.

Theo nhà tâm thần học Richard Morris đến từ Đại học Edinburgh, hồi hải mã giống như một chiếc máy tính chứa các thư mục lộn xộn. “Mỗi lần như vậy chúng ta lại phải dọn sạch nó. Có lẽ đây là mục đích của quá trình sản xuất các nơ-ron thần kinh – hệ thống dọn dẹp hồi hải mã.”

>> Thực hư chuyện con người chỉ dùng đến 10% não bộ

Thu Thảo

vandoan

Theo Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên