Vì đâu mạng xã hội tuyệt mật của giới siêu giàu Trung Quốc bị bại lộ?
Lâu nay, các ông chủ bự ở Trung Quốc lặng lẽ “giao du” với nhau qua một mạng xã hội riêng không mấy ai biết đến, nếu không có một cuộc cãi vã nội bộ.
Nội dung nổi bật:
- Muốn gia nhập Zhanghe Island (mạng xã hội) hội viên cần phải là người sáng lập, chủ tịch điều hành có doanh thu tối thiểu 50 triệu nhân dân tệ.
- Nhưng chốn thiên đường của đại gia cuối cùng cũng xảy ra xích mích và những trao đổi “tuyệt mật” giữa họ đã bị lộ hồi tháng 7/2013.
---------------------------------------
Mạng xã hội có tên gọi Zhanghe Island (Đảo Trịnh Hòa - zhisland.com) do ông Lưu Đông Hoa, cựu chủ bút tạp chí China Entrepreneur và báo Economic Daily Press, sáng lập năm 2006.
Đảo Trịnh Hòa - theo tên một nhà thám hiểm nổi tiếng của Trung Quốc thời Minh - hàm nghĩa mạng xã hội này là một nơi đứng đắn, an hòa.
Những người muốn “lên Đảo” phải hội đủ các điều kiện sau: Là sáng lập viên, chủ tịch, thành viên ban điều hành của những công ty có doanh thu hằng năm tối thiểu 50 triệu nhân dân tệ (8,2 triệu USD); hoặc là đối tác của các doanh nghiệp trên, đồng thời “sở hữu những hệ thống giá trị lành mạnh, chói sáng như mặt trời và có trách nhiệm”, theo báo Straits Times.
Nhưng giàu thôi cũng chưa đủ. Chỉ những người được mời mới có thể tham gia, và mức phí hội viên là 30.000 tệ (4.900 USD)/năm.
Không nghi ngờ gì, thành viên của zhisland.com phải thuộc diện mà “ai cũng biết là ai” trong nền kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn: Mã Vân (Jack Ma - người sáng lập công ty marketing qua mạng Alibaba), Liễu Truyền Chí (Liu Chuanzhi - sáng lập tập đoàn máy tính Lenovo), Vương Thạch (Wang Shi - sáng lập tập đoàn bất động sản Vạn Khoa, Vanke), Trương Thụy Mẫn (Zhang Ruimin - sáng lập tập đoàn điện tử gia dụng Haier)…
Thành viên của “Đảo” có cơ hội nắm bắt thông tin liên lạc của các “đại gia”, thông tin về đầu tư và quản lý, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề xã hội, kinh tế một cách thoải mái với nhau và được giữ bí mật hoàn toàn.
Ngoài ra, mạng xã hội này cũng cung cấp cho các nhà kinh doanh “đặc quyền” tham gia các sự kiện chỉ dành cho thành viên của mạng bên lề các hội nghị lớn diễn đàn kinh tế châu Á Bác Ngao, hội nghị thượng đỉnh kinh tế của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, các buổi tiếp tân xa xỉ, hoặc các chuyến du lịch đẳng cấp…
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây (sau khi bị lộ), người sáng lập zhisland.com Lưu Đông Hoa nói rằng mạng xã hội của ông là “cổng internet đầu tiên tập hợp toàn những gã khổng lồ trong kinh doanh”.
Ông này còn tuyên bố kiểu nửa đùa nửa thật rằng: “Cổ phiếu của Facebook càng rớt giá nhanh hơn kể từ khi chúng tôi (tức zhisland.com - PV) gia nhập thị trường”.
Bị lộ
“Cuộc sống” trên “Đảo” tưởng chừng như thiên đường của các đại gia cuối cùng cũng xảy ra xích mích, và những trao đổi “tuyệt mật” giữa họ đã bị lộ hồi tháng 7.2013.
Theo trang tin International Business Times (Mỹ), sự cố xảy ra trong một cuộc tụ tập và tại đó ông chủ hiệu máy tính Lenovo Liễu Truyền Chí phát biểu rằng cư dân của “Đảo” “hãy tránh xa chuyện chính trị và chỉ nói chuyện kinh doanh thôi”.
Ý kiến của ông Liễu được các thành viên ủng hộ, và coi như đó là lập trường chính thức của nhóm về chuyện chính trị.
Nhưng, có một thành viên không đồng tình. Đó là bà Vương Dương, người phụ trách việc gây quỹ của “Đảo”.
Sở dĩ bà Vương phản đối kịch liệt vì bà cho rằng ông Liễu chống việc bà thành lập một nhóm, cũng gồm các thành viên của “Đảo”, chuyên thảo luận nhiều vấn đề chính trị từ tháng 11.2012 qua hệ thống chat miễn phí WebChat phổ biến của Trung Quốc.
Chuyện cãi vã tuyệt mật trên “Đảo” sau đó được bà Vương đưa công khai lên mạng với những lời lẽ mạnh mẽ: “Tôi không phải là một doanh nhân bị câm trước chuyện chính trị. Tôi không tin những nhà doanh nghiệp Trung Quốc có thể tồn tại nếu họ phải quỳ gối”.
Trong tuyên bố của mình, bà Vương cũng cho biết bà đã từ bỏ “Đảo”, bởi bà tin rằng chính trị và kinh doanh là hai thứ đan chặt vào nhau mà người ta không thể làm ngơ.
Trong cuộc phỏng vấn với báo South China Morning Post sau đó, bà Vương cáo buộc ông Liễu là “khuyến khích và đổ thêm dầu vào nỗi sợ hãi nói về chính trị vốn đang lan rộng trong bộ phận doanh nhân Trung Quốc”.
Theo Thục Minh