MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lingo, beyeu rồi Deca lần lượt đóng cửa, tại sao Vinamilk, Lotte vẫn quyết 'đâm đầu' vào thương mại điện tử?

25-10-2016 - 14:25 PM | Doanh nghiệp

Thị trường thương mại điện tử lên tới 10 tỷ đô đang khiến rất nhiều "ông lớn" ở Việt Nam như Vinamilk, Lotte háo hức gia nhập.

Thị trường chục tỉ đô

Doanh thu từ thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng 37% trong năm 2015 lên mức trên 4 tỉ USD – chiếm gần 3% tổng lượng bán lẻ toàn quốc. Trong vòng 5 năm tới, con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 10 tỷ USD.

Theo báo cáo do Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin Việt Nam VECITA công bố vào tháng 4, có hơn 10.000 nền tảng thương mại điện tử và website bán hàng được đăng ký trong năm 2015, gấp đôi so với năm 2014.

Một số đơn vị đứng đầu về doanh thu gồm: Lazada, chodientu, Hotdeal, Vietnam Airlines và Thế giới di động.

VECITA cũng công bố 45% người tiêu dùng Việt Nam hiện đã được kết nối với Internet và họ dành mức trung bình trên 160 USD cho mua sắm trực tuyến vào năm ngoái – tăng 15 USD so với năm 2014.

Quần áo, giày dép và mỹ phẩm đóng góp tới 64% những sản phẩm được mua, ngoài ra còn có đồ điện tử, thiết bị gia đình và những sản phẩm khác.

Tiền mặt vẫn là phương pháp thanh toán được sử dụng nhiều nhất, trên 90% người tiêu dùng được khảo sát nói rằng họ vẫn thường trả tiền mặt khi nhận hàng gửi đến. Chỉ 20% nói rằng họ sử dụng thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số những rào cản đối với ngành mua sắm trực tuyến đó là: Vấn đề chất lượng hàng hóa kém (73%), giá cao (61%), dịch vụ giao hàng kém (45%) và nỗi lo sợ thông tin cá nhân bị rò rỉ ra ngoài chiếm 38%.

Một nhân viên văn phòng có tên Trà My làm việc tại TP Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn tờ Nikkei cho biết, cô bắt đầu mua sắm trực tuyến từ năm 2014. Trà My nói rằng mình tìm thấy những chỉ dẫn mua giày dép và mỹ phẩm thông qua Facebook.

“Tôi đặt hàng và thanh toán tiền trực tuyến và họ chuyển tới tận nhà. Điều này rất thuận tiện cho những người như tôi và hiện nay rất dễ tìm những website bạn có thể tin tưởng mua hàng trực tuyến như vậy”.

Một khảo sát riêng được thực hiện với 500 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhận thấy 88% sử dụng thiết bị di động để tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ, và 45% tìm kiếm ít nhất 1 lần trong ngày.

"Không dễ xơi"

Dù thị trường tiềm năng là vậy nhưng thất bại của nhiều tên tuổi lớn thời gian gần đây cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể bùng nổ trong tương lai gần nhưng không hề “dễ xơi”, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước.

Nếu như trong năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp thương mại điện tử như Beyeu.vn, Deca.vn, Cucre.vn đã phải đóng cửa thì mới đầu tháng 8/2016, website Lingo.vn cũng đột nhiên ngừng hoạt động vì nhà đầu tư ngừng rót vốn do kinh doanh không hiệu quả.

Câu hỏi đặt ra là tại sao khi cả thị trường chung đi lên với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng nhưng sàn thương mại điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn như vậy? Liệu đuối vốn có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc thất bại trong kinh doanh thương mại điện tử không?

Tuy nhiên, việc tập đoàn Alibaba tuyên bố hoàn tất thỏa thuận mua lại nền tảng thương mại điện tử Lazada với giá 1 tỉ USD vào hồi tháng 4 vừa qua cũng khiến cục diện thị trường xoay chuyển đôi chút.

Một số người kỳ vọng sự tham gia của Alibaba sẽ thay đổi diện mạo toàn bộ ngành TMĐT Việt Nam tuy nhiên cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại cho tương lai của những doanh nghiệp TMĐT trong nước.

Làm sao không lo lắng được khi rất có thể tới đây, Lazada sẽ được Alibaba rót thêm số vốn khổng lồ nhằm đẩy mạnh hoạt động. Trong khi đó, những startup non trẻ như Tiki hay A đây rồi mới chỉ “chập chững” trong cuộc chiến thương mại điện tử đầy cam go và hết sức tốn kém này.

Bên cạnh đó mục tiêu của Jack Ma là đem hàng Trung Quốc bán cho 8 tỉ dân trên thế giới vì vậy không ngoại trừ khả năng sắp tới đây Lazada bán toàn “hàng Tàu”. Những nhà sản xuất Trung Quốc, với lợi thế hàng hóa giá rẻ và phong phú là điểm tựa vững chắc cho nền tảng thương mại điện tử của Lazada.

Đây là thứ sức mạnh biến Lazada Việt Nam trở thành mối nguy không chỉ cho các ông lớn, mà còn có thể tiêu diệt cả các DN nhỏ, thị trường ngách. Nhất là trong thời điểm, các DN TMĐT của chúng ta cũng bán rất nhiều hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trước những nguy cơ cạnh tranh khốc liệt như vậy, bản thân những đơn vị đang tham gia vào thị trường cũng phải chật vật tồn tại. Chính vì thế, với Vinamilk hay Lotte - những người mới "chân ướt, chân ráo" bước vào thị trường này có lẽ sẽ còn rất nhiều khó khăn và thách thức chờ đợi họ phía trước!

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên