MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ nhận được những chính sách biệt đãi gì trong mùa dịch?

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ nhận được những chính sách biệt đãi gì trong mùa dịch?

Mới đây, trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng tiếp tục gia hạn việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.

Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, luôn được coi là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đã đóng góp vào ngân sách hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, ngành ô tô phát triển rất nhanh chóng, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định được vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ về cả lượng và chất.

Tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755.000 chiếc/năm và số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 323.892 chiếc năm 2020.

Vì vậy, đứng trước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành kinh tế nói chung, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng ngành công nghiệp ô tô trong nước, nhằm góp phần giữ vững vai trò và tiềm năng phát triển của ngành.

Ngoài đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị việc nghiên cứu đánh giá tác động dịch bệnh để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Những chính sách trên cực kỳ quan trọng bởi ngành ô tô trong nước đang phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng toàn cầu như tổng cầu đang giảm, thiếu linh kiện, đặc biệt là thiếu chip, chi phí vận chuyển đắt đỏ do giao thông khó khăn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7/2021, doanh số bán ô tô tại Việt Nam chỉ đạt hơn 16.000 chiếc, giảm 32% so với tháng 6.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam bị suy giảm doanh số mạnh trong tháng 7/2021 và có thể kéo dài hết tháng 8 do bối cảnh dịch bệnh đang căng thẳng tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Nam.

Bộ Tài chính mới đây cũng đề xuất Chính phủ cho phép giảm phí trước bạ đối với xe điện trong 5 năm, bắt đầu từ 2022. Một chính sách quan trọng là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện được Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, giải trình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang chờ chính sách này được ban hành.

Có thể thấy, Chính phủ đang cố gắng ban hành nhiều biện pháp, chính sách hiệu quả, nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp trong ngành ô tô tại Việt Nam nói riêng cùng tháo gỡ khó khăn, đứng vững trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. 

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên