Lĩnh vực 'xương sống' bất lực kêu cứu, đà tăng trưởng của Trung Quốc đứng trước rủi ro lớn
Các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước hồi phục mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay. Song, các cuộc khảo sát gần đây lại cho thấy hoạt động của các MSE và cá nhân tự kinh doanh - được coi là huyết mạch của cỗ máy kinh tế Trung Quốc, phải rất lâu nữa mới quay trở lại mức mà họ hài lòng vào năm 2019.
- 05-08-2021'Học hỏi' kinh nghiệm trên Reddit, chàng trai 20 tuổi nắm trong tay bí quyết đầu tư với tỷ suất sinh lời 100%
- 05-08-2021'Tiền sẽ giải quyết tất cả': Góc khuất đáng sợ đằng sau những căn hộ hào nhoáng của Airbnb và sự im lặng của nạn nhân trong những vụ việc đau lòng
Khi đầu tư vào một cửa hàng ăn vặt tại một trung tâm thương mại ở Thâm Quyến 2 năm trước, Wen Tao nhận thấy lượng khách khá ổn định. Họ đều muốn thưởng thức món bánh mì nước bằng lò đất xét của anh, trong khi đi dạo khu mua sắm. Sau đó, đại dịch Covid-19 bắt đầu tàn phá nền kinh tế Trung Quốc. Khách hàng của Wen cũng cắt giảm chi tiêu.
Anh chia sẻ: "Từ đầu năm 2020, tôi đã lỗ 4-5000 tệ (620-775 USD)/tháng. Tôi phải giảm số lượng nhân viên từ 5 người trong năm 2019 xuống chỉ còn 1. Tôi sẽ phải đóng cửa hàng khi hết hợp đồng thuê vào tháng 6, chứ không vay thêm tiền để hoạt động. Tôi ngày càng mất nhiều tiền và không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hoạt động chi tiêu sẽ sớm hồi phục."
Đó là số phận của nhiều doanh nghiệp nhỏ nhất của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay. Những nỗ lực của chính phủ đưa ra để khắc phục tình hình này đã nêu bật vai trò quan trọng của họ đối với nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, với những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trước đây của Bắc Kinh, thì các quan chức và cơ quan cấp địa phương khó có thể đưa ra những biện pháp đầy đủ để giải quyết vấn đề.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chi tiêu bán lẻ sẽ tiếp tục xu hướng yếu đi trong những tháng tới. Điều này cho thấy thu nhập không tăng lên và người tiêu dùng duy trì thói quen chi tiêu thận trọng trong thời kỳ đại dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí lao động cùng nguyên liệu thô ngày càng tăng cao. Nhiều trong số đó còn gặp khó khăn khi đi vay ngân hàng và nếu có thể thực hiện, thì chi phí cũng là rất lớn.
Cuối tháng 6, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi chính phủ tập trung đưa ra các chính sách tài chính và tiền tệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế thực, cải thiện thị trường việc làm. Trọng tâm cần được chú ý hơn là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các ngành thâm dụng lao động.
Các doanh nghiệp nhỏ này chính là "xương sống" của khu vực tư nhân Trung Quốc. Theo số liệu gần đây nhất của chính phủ từ tháng 4, Trung Quốc có 44 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSE) - họ là những doanh nghiệp đóng thuế hàng năm lên tới 3 triệu tệ (464.000 USD). Ngoài ra còn có 90 triệu cá nhân tự kinh doanh.
Các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước hồi phục mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay. Song, các cuộc khảo sát gần đây lại cho thấy hoạt động của các MSE và cá nhân tự kinh doanh - được coi là huyết mạch của cỗ máy kinh tế Trung Quốc, phải rất lâu nữa mới quay trở lại mức mà họ hài lòng vào năm 2019.
Do đó, nhiều chủ doanh nghiệp như Wen cho biết họ đang có kế hoạch thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa hoàn toàn vào cuối năm nay, nếu tình hình không được cải thiện. Dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tỷ lệ không gian trống của các cửa hàng F&B tại trung tâm mua sắm ở quận Nam Sơn, Thâm Quyến - nơi Wen kinh doanh, đã tăng từ dưới 10% vào cuối năm 2019 lên hơn 40% hiện nay.
Wen cho hay: "Trung tâm mua sắm này nằm ở một trong những khu kinh doanh sầm uất nhất Thâm Quyến. Ở những nơi có mức chi tiêu thấp hơn, mọi thứ còn tồi tệ hơn. Tỷ lệ trống của các tòa nhà văn phòng tại Thâm Quyết đang ở mức rất cao. Số lượng nhân viên văn phòng chi tiêu và ăn uống tại các trung tâm thương mại chắc chắn sẽ giảm xuống."
Theo Wen, thu nhập giảm sút và khả năng chi tiêu đối với lĩnh vực không thiết yếu đi xuống của các nhân viên văn phòng là những yếu tố chính khiến hoạt động kinh doanh của anh bị trì trệ.
Huang Weijie vận hành một nhà máy may nhỏ ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Sản lượng của họ đạt đỉnh vào năm 2015, khi ông sử dụng 200 nhân sự, lợi nhuận ròng 1 triệu CNY từ hoạt động bán hàng trong nước và quốc tế. Khách hàng từ khắp nơi trên cả nước đã từng đến thăm 3 cửa hàng bán buôn của ông ở tỉnh Quảng Châu.
Dẫu vậy, công việc kinh doanh đã trở nên tồi tệ đến mức ông phải đóng cửa toàn bộ cửa hàng bán buôn. Tháng trước, Huang phải đóng cửa 2 trong số 3 khu xưởng. Hiện tại, ông chỉ có nhân viên bán thời gian.
Huang chia sẻ: "Các doanh nghiệp lớn được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động xuất khẩu trong vài năm qua, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đồ bảo hộ y tế. Trong khi đó, những người mua nhỏ lẻ ở nước ngoài - khách hàng chính của chúng tôi, không thể đến Trung Quốc để đặt hàng."
Ông nói thêm: "Việc đầu tư cơ sở hạ tầng mới và các ngành mới nổi đã được chính quyền hỗ trợ mạnh mẽ, nhưng lại không liên quan đến chúng tôi. Trước đây, chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân làm giàu trước, sau đó là cung cấp việc làm. Giờ đây, chỉ khu vực nhà nước được hậu thuẫn mới có thanh khoản và lợi nhuận."
Tình thế của Wen và Huang cũng phản ánh hoàn cảnh của nhiều MSE khác.
Trong quý đầu tiên của năm 2021, doanh thu trung bình của các MSE là 109.000 tệ (16.900 USD), tăng nhẹ so với 105.000 tệ của quý III/2020, song vẫn thấp hơn đang kể so với mức 124.000 tệ của quý IV/2020. Đây là kết quả của cuộc khảo sát online về MSE của Đại học Bắc Kinh thực hiện với hơn 10.000 MSE trên khắp cả nước.
Trong số đó, 51% cho biết doanh thu trung bình hàng tháng là 8.300 tệ (1.290 USD) hoặc thấp hơn. Tổng cộng, 28% báo lỗ và 19% gần như không thể hòa vốn.
Ngược lại, các công ty công nghiệp lớn với doanh thu hàng năm hơn 20 triệu tệ đã ghi nhận lợi nhuận tăng trung bình 83,4% trong 5 tháng đầu năm nay, so với mức thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của các khu vực tại Trung Quốc lại không đồng đều. Theo Zhang Zhiwei - nhà kinh tế trưởng tại Pinpont Asset Management, tại 3 tỉnh và 5 thủ phủ, doanh số bán lẻ vẫn chưa hồi phục lại mức của 2 năm trước. Hầu hết các tỉnh khác đều có sức tiêu thụ tăng nhẹ so với năm 2019, dù GDP tăng lên.
Ông nói rằng, tình trạng hồi phục không đồng đều này cần đến sự can thiệp của chính phủ nhiều hơn để duy trì mức độ ổn định. Zhang nói: "Chúng tôi cho rằng đây là lý do khiến PBOC giảm RRR một các bất ngờ. Họ muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ với nhiều khoản vay hơn."
Theo cuộc khảo sát của Đại học Bắc Kinh, các MSE cho biết họ không được hưởng lợi từ bất kỳ chính sách hỗ trợ nào của chính phủ đã tăng từ 55,3% trong quý IV năm ngoái lên 60,3% trong quý I năm nay.
Đại đa số SME không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng việc vay vốn ngân hàng không hề dễ dàng. Khi họ có thể, thì lãi suất cũng không hề thấp.
Tang Lin - chủ một nhà hàng nhỏ ở Nam Ninh, cho biết: "Tôi đã đi vay của một ngân hàng vào đầu năm nay, nhưng họ nói rằng chúng tôi không có tài sản thế chấp hay lịch sử giao dịch. Cuối cùng, họ chỉ cho chúng tôi vay khoảng 50.000 tệ, với lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên, tiền thuê cửa hàng mỗi tháng của tôi là 30.000 tệ, chưa kể các loại chi phí khác."
Mặt khác, các chi phí khác như đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc của doanh nghiệp lại tăng mạnh. Lấy ví dụ về Quảng Châu. Bắt đầu từ tháng trước, các doanh nghiệp trong thành phố phải trả tối thiểu 1.112,85 tệ/tháng đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tăng 16% so với mức 963,48 tệ trước đó. Nhân viên cũng phải đóng tối thiểu 506,38 tệ/tháng, tăng 17% so với 431,94 tệ trước đó.
Theo Simon Zhao - phó trưởng khoa Khoa học và Xã hội thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh-Đại học Baptist Hồng Kông Đại học Quốc tế Mỹ, với kỳ vọng chung về việc GDP sẽ giảm tốc vào nửa cuối năm nay, áp lực đối với các MSE chắn chắn sẽ lớn hơn. Ông nói: "Họ dễ chịu ảnh hưởng khi sức tiêu dùng trong nước yếu đi, cùng với đó là sự sụt giảm của nhu cầu tiêu dùng và việc làm."
Tham khảo SCMP