Lo đầu tư công “vỡ trận” vì giá vật liệu xây dựng tăng phi mã
Đà tăng giá đột biến của thép và nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng khác… làm nhiều dự án "đội” chi phí thêm hàng trăm tỷ đồng… Nhiều nhà thầu buộc phải lựa chọn giải pháp ngưng thi công. Điều này khiến hàng loạt dự án đầu tư công đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
- 11-06-20218/13 bộ, ngành vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài
- 11-06-2021Hàng tỷ USD đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo: Khởi đầu làn sóng đầu tư mới
- 11-06-2021Loạt dự án của các 'ông trùm' công nghệ đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Nhiều dự án đầu tư công có nguy cơ đình trệ
Thời gian qua, thị trường vật liệu xây dựng có biến động lớn, nhiều chủng loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng đột biến. Chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5/2021 tăng 7,6% so với tháng trước đó, tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước; nhôm tăng khoảng 50 - 60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15 - 25%... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng. Đối với nhà thầu thi công các hợp đồng đã ký theo “đơn giá cố định” hoặc “trọn gói” không được điều chỉnh vốn, giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhà thầu.
Đơn cử, tại dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, giá thép tăng 40% đã làm phát sinh chi phí thêm gần 150 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp.
Hay tại dự án Cầu Rào 1 tại Hải Phòng, đơn giá thép tròn khi dự thầu theo giá công bố quý 3/2020 là 10.900 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), nhưng hiện nay giá bán đã tăng gần 55% lên 16.845 đồng/kg. Trong khi đó, đơn giá mà liên danh nhà thầu đang áp dụng vào công trình này là 12.084 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), chênh lệch gần 5.000đồng/kg so với giá bán. Với tổng khối lượng sắt thép sử dụng cho công trình này lên khoảng 6.200 tấn, chênh lệch giữa giá thép áp dụng cho gói thầu và giá thị trường hiện tại đã lên gần 30 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12% - 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Thời điểm hiện tại, giá thép có loại đã tăng từ 40-45% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm hơn khoảng 4%.
Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng. Vì vậy, một số nhà thầu không đánh giá hết các rủi ro tiềm ẩn về biến động giá thép và nguyên vật liệu khác sẽ bị ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và phải tự giải quyết khoản thâm hụt này.
“Nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2021 và các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.
“Bão" giá đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, bên cạnh các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như cải cách thể chế; tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động... thì đầu tư công là động lực rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn 2021-2025.
“Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Điều này còn phản ánh tính lan toả của thực hiện đầu tư công tới đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 mạnh hơn năm 2019 vì khi đó giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, thấp hơn 0,19 đồng so với năm 2021”, ông Lâm phân tích.
Bên cạnh tính dẫn dắt và tính lan toả của vốn đầu tư công đối với nền kinh tế, bản thân đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.
“Với tầm quan trọng của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, nếu giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao, có loại tăng đột biến, đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ gây ngừng trệ sản xuất và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra”, ông Nguyễn Bích Lâm lo ngại.
Có thể cần tới cả quyết định phi truyền thống để giải quyết tình trạng này
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, hiện không chỉ thép mà rất nhiều vật liệu xây dựng khác tăng đã làm đội vốn công trình xây dựng. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ. Bởi vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
“Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí hàng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp”, TS. Cung nói.
Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, chúng ta không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Theo luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như Metro ở Hà Nội và TP.HCM... gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.
“Chính phủ cần chỉ đạo thật nhanh để giải quyết tình trạng này; thậm chí có thể cần tới cả quyết định phi truyền thống hướng dẫn về thủ tục, thẩm định dự án... để điều chỉnh đồng loạt những quy định liên quan tới tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư”, TS. Cung kiến nghị.
Về dài hạn, theo ông Cung, phải tiến tới sửa Luật Đầu tư công cũng như những quy định liên quan tới chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó tránh “bó cứng” tổng mức đầu tư của dự án.
“Nếu được, bỏ luôn quy định liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư vì trong năm 2021 và vài năm tới, động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tư công. Có như vậy, chủ đầu tư và nhà thầu mới yên tâm khi tham gia dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước”, TS. Cung nêu ý kiến./.
VOV