Lo dịch tả heo châu Phi
Người chăn nuôi vừa gượng dậy vài tháng sau "bão" giá gần 2 năm, nay lại mất ăn mất ngủ lo dịch tả heo châu Phi (ASF) xâm nhập.
- 03-09-2018Giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng nếu dịch tả lợn Châu Phi bùng phát
- 31-08-2018Khẩn cấp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam
Nỗi lo bắt nguồn từ dịch bệnh trên đàn heo ở Trung Quốc. Từ ổ dịch đầu tiên phát hiện vào ngày 1-8; đến ngày 7-9, Trung Quốc đã có 14 ổ dịch được ghi nhận. Thời gian qua, giá heo tại Việt Nam cao hơn Trung Quốc, heo hơi Trung Quốc buôn lậu sang Việt Nam kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngày 30-8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành và bộ ngành liên quan nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh tả châu Phi vào Việt Nam. Công văn chỉ đạo các chi cục kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh phối hợp với những đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp heo và sản phẩm heo vào Việt Nam.
Ngành chăn nuôi đang đối mặt rủi ro dịch bệnh
Trao đổi với phóng viên chiều 9-9, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ chính đáng để bảo vệ chăn nuôi trong nước. Ngoài kiểm soát buôn lậu, cần cấm nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo từ các nước đang có dịch. Đặc biệt, kiểm soát các suất ăn thừa trên máy bay (năm 1978, Brazil đã xảy ra dịch tả heo châu Phi do trại heo sử dụng thức ăn thừa trên chuyến bay đến từ nước có dịch).
"Chúng tôi sẽ có công văn gửi Chính phủ kiến nghị các biện pháp ứng phó. Trong tình huống dịch xảy ra, cơ quan thú y địa phương cần nhanh chóng xác định bệnh, nếu đúng là tả châu Phi sẽ tiến hành khoanh vùng và tổ chức tiêu hủy heo ngay lập tức. Chúng ta phải chấp nhận hy sinh một nhóm chăn nuôi nhỏ để cứu đàn heo và có hỗ trợ tài chính cho họ để phòng trường hợp bán chạy khiến dịch bệnh lây lan" - ông Công kiến nghị. Theo ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (TP HCM), trước mắt người chăn nuôi chỉ biết tăng cường an toàn sinh học, bảo vệ đàn heo; chủ yếu chờ các biện pháp ngăn chặn từ cơ quan chức năng.
Theo bác sĩ thú y Anan Lertwilai, Phó Tổng Giám đốc cấp cao quản lý về thú y Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, dịch tả heo châu Phi do virus gây ra với tỉ lệ chết cao và nguy hiểm hơn bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng vì chưa có vắc-xin phòng bệnh. Đây là loại bệnh không có thuốc chữa, tỉ lệ tử vong 100% nên nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi trị giá hàng chục tỉ USD của Việt Nam. C.P đã in 15.000 tờ rơi thông tin về bệnh để cung cấp cho các đối tác, người dân và hướng dẫn các trang trại tăng cường thực hiện an toàn sinh học để kiểm soát bệnh. Ông Anan Lertwilai cho biết khi Trung Quốc xảy ra dịch, Hàn Quốc và Thái Lan đã triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm nhập như tạm ngưng nhập khẩu heo từ các nước có dịch; kiểm soát chặt nguồn thực phẩm mà khách Trung Quốc hay mang theo khi đi nước ngoài vì virus gây bệnh tả châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường, có thể tồn tại thời gian dài trong thịt đông lạnh, thịt hun khói, giăm-bông…
Người lao động