Lộ diện một doanh nghiệp thua lỗ triền miên, giá cổ phiếu vẫn tăng gấp 4 lần trong 1 tháng
Trái ngược với sự "thăng hoa" trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của CMS lại không mấy sáng sủa khi liên tục ghi nhận thua lỗ.
Trước "cơn điên" của sóng đầu cơ trong thời gian gần đây, sức khoẻ tài chính doanh nghiệp không còn tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu. Bất chấp kết quả kinh doanh thụt lùi, làm ăn thua lỗ triền miên, nhưng thị giá của nhiều doanh nghiệp vẫn tăng phi mã.
Một trong những cổ phiếu đang "nổi sóng" trên thị trường trong thời gian gần đây là CMS của CTCP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam. Đây cũng là một trong những mã tăng mạnh nhất trong tháng vừa qua với 18 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có 13 phiên tăng kịch trần. Chốt phiên 19/11, CMS tạm dừng ở mức 19.600 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 4,3 lần chỉ trong vòng một tháng.
Hồi tháng 4/2021, cổ phiếu CMS cũng bị đưa vào diện bị cảnh báo bởi lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ năm 2020 ghi nhận là con số số âm.
Trái ngược với sự "thăng hoa" trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của CMS lại không mấy sáng sủa khi liên tục ghi nhận thua lỗ.
Thống kê trong 3 năm gần đây, năm 2019 là năm duy nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, song mức lãi nhỏ giọt chỉ vỏn vẹn 4 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2020 CMS báo lỗ ròng gần 14 tỷ đồng, đây cũng là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Sang đến năm 2021, tình hình kinh doanh của CMS vẫn không cải thiện hơn. Theo Báo cáo tài chính quý 3/2021, doanh thu của CMS giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng. Song việc kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của Công ty âm 452 triệu đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, CMS báo lỗ ròng hơn 2,3 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 5,6 tỷ đồng năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể bức tranh tài chính có thể thấy tình hình kinh doanh của CMS vẫn một màu u ám khi chưa thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ.
Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu CMS đạt 133 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp âm gần 9 tỷ đồng, tăng 19% so với khoản lỗ năm trước.
Năm 2021, CMS đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 196 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4,12 tỷ đồng. Dù vậy, với tình hình 9 tháng lỗ nặng như hiện nay, khả năng CMS đạt được kế hoạch kinh doanh là rất khó.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh trì trệ tạo áp lực khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ chuyển từ dương 51 tỷ đồng sang âm 63 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư trong kỳ ghi nhận con số dương vì trong kỳ Công ty thu hồi được các khoản cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.
Thực tế, CMS không phải doanh nghiệp duy nhất kinh doanh bết bát mà giá cổ phiếu vẫn tăng. Chúng ta từng nói về CEO của Tập đoàn C.E.O khi tăng chóng mặt gấp 3 lần chỉ sau một tháng bất chấp kinh doanh bết bát với khoản lỗ ròng 224 tỷ đồng trong 9 tháng.
Hay trường hợp cổ phiếu HUT của "ông trùm" BOT Tasco khi ghi nhận 7 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp, song cổ phiếu vẫn tăng gần gấp đôi chỉ sau ba tháng lên mức 15.300 đồng/cổ phiếu vào phiên 19/11.
Lý giải hiện tượng doanh nghiệp cổ phiếu càng lỗ cổ phiếu lại càng tăng, nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn dòng tiền đổ vào thị trường hiện nay hầu hết là đến từ các nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0).
Theo đó, các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường thường không để ý đến báo cáo tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ "đánh theo sóng" với mong muốn "chốt lời" nhanh nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo các nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác đối với các cổ phiếu có nội tại không tốt nhưng thị giá và khối lượng tăng mạnh. Bởi, những cổ phiếu này hoàn toàn có thể xảy ra hiện tượng phân phối và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Do đó, nhà đầu tư trước khi tham gia nên tìm hiểu kỹ về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, lựa chọn những điểm mua tối ưu và có một phương án quản trị rủi ro chặt chẽ để tránh rơi vào "cái bẫy" của những cổ phiếu rác.
Nhịp sống kinh tế