Lộ diện top 10 lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019
Vẫn những cái tên quen thuộc như cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng thứ hạng thì đã có những thay đổi bất ngờ.
- 31-07-2019[Cập nhật 31/7]: Toàn cảnh kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019
- 29-07-2019Đã có 9 ngân hàng báo lãi nghìn tỷ
Xáo trộn thứ hạng trong top 10 lợi nhuận
Các ngân hàng lớn đều đã công bố BCTC quý 2/2019 và theo đó, top 10 ngân hàng cổ phần có lợi nhuận cao nhất trong 6 tháng đầu năm đã chính thức lộ diện. Tổng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 10 nhà băng nàytrong nửa đầu năm 2019 đạt hơn 45.500 tỷ, tăng hơn 6.500 tỷ, tương đương tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Vẫn những cái tên quen thuộc như cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng thứ hạng thì đã có những thay đổi bất ngờ.
Vietcombank vẫn đang giữ vị trí quán quân lợi nhuận với hơn 11.300 tỷ đồng và không những thế còn ngày càng bỏ xa những ngân hàng còn lại. 2 ngân hàng đứng sau là Techcombank và VietinBank cộng lại cũng chưa thể bằng lợi nhuận của Vietcombank.
Tương tự như 6 tháng đầu năm ngoái, Techcombank và VietinBank tiếp tục đứng thứ 2 và thứ 3 về lợi nhuận, mức lãi cũng không cách biệt quá nhiều, lần lượt đạt 5.662 tỷ và 5.335 tỷ. Theo đó, Techcombank hoàn thành được 48% kế hoạch năm, còn VietinBank đã hoàn thành 56%.
BIDV, VPBank và MBBank là 3 ngân hàng tiếp theo có lợi nhuận cao nhất, tuy nhiên đã có sự xáo trộn về thứ hạng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, MBBank còn đứng ở thứ 6 thì đến nửa đầu năm 2019 đã leo lên vị trí thứ 4 với 4.875 tỷ đồng lợi nhuậ. BIDV theo đó bị tụt xuống 1 bậc ở vị trí thứ 5 với lợi nhuận đạt 4.772 tỷ. VPBank theo sau khá suýt soát với 4.343 tỷ đồng.
Lợi nhuận của BIDV lẫn VPBank đều sụt giảm so với cùng kỳ trong khi MBBank tăng tới 21,5%. Trích lập dự phòng rủi ro vẫn là gánh nặng lớn với BIDV. Còn ở VPBank, ngoài việc chi phí dự phòng tăng thì lợi nhuận giảm là do không còn khoản thu nhập đột biến từ bảo hiểm như năm ngoái (ghi nhận ở mục lãi từ hoạt động khác).
4 ngân hàng cuối cùng trong top 10 lợi nhuận là ACB, HDBank, VIB và TPBank với thứ tự không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ACB có lãi đạt 3.622 tỷ đồng, tỏ ra cách biệt hơn so với 3 ngân hàng còn lại.
Trong khi đó, khoảng cách giữa HDBank, VIB và TPBank đang dần thu hẹp lại. 6 tháng đầu năm 2019, HDBank có lãi 2.211 tỷ đồng, VIB là 1.820 tỷ và TPBank là 1.620 tỷ đồng.
Ngân hàng nào tăng trưởng nhanh nhất?
Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận tăng nhiều nhất với mức tăng là gần 3.300 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là MBBank với mức tăng hơn 1.000 tỷ.
Động lực tăng trưởng của Vietcombank và MBBank đều chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng với tăng trưởng thu nhập lãi thuần đạt lần lượt 31% và 26%, là mức tăng thuộc hàng cao nhất trong hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2019. Ngoài ra, ở MBBank, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh 85% nhờ công ty con kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng % thì đều là 2 ngân hàng tầm trung là VIB và TPBank tăng trưởng mạnh nhất, đều đạt mức tăng 58%. Cả VIB và TPBank đều tăng trưởng tín dụng thuộc top cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019, thậm chí sắp cạn "room" được cho phép từ đầu năm. Tuy nhiên, áp lực tăng trưởng ở nửa cuối năm với 2 nhà băng này cũng không quá lớn vì đều đã được NHNN chấp thuận áp dụng Basel II nên có cơ hội được nới hạn mức tín dụng.
Ở nhóm ngân hàng lớn, chỉ có Vietcombank là lợi nhuận tăng trên 40%, còn lại đều tăng dưới 30%. Trên thực tế, những ngân hàng như Techcombank và VPBank hay ACB đều đã tăng trưởng theo cấp số nhân ở những năm trước đó và việc lợi nhuận tăng trưởng chậm lại cũng là điều đã được dự đoán trước.
Trong khi đó, BIDV và VietinBank thì giảm tốc độ tăng trưởng lại để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn khi vốn điều lệ nhiều năm liền chưa được bổ sung. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng của VietinBank trong năm nay chỉ ở mức tối đa là 7%; và trong 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 2,4% khiến ngân hàng phải xoay sở nâng thu nhập ở các hoạt động phi tín dụng.
Ngoài ra, chi phí dự phòng cũng đều đang là gánh nặng không nhỏ với 2 "ông lớn" này khi "bào mòn" tới hơn 60% lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng. Với khối nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng, BIDV và VietinBank vẫn cần nhiều nỗ lực để giải quyết trong thời gian tới.