MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo lạm phát, nhà đầu tư đổ xô đi săn đất nhưng có nên mạo hiểm xuống tiền ‘bắt đỉnh’?

06-12-2021 - 08:42 AM | Bất động sản

Nhà đầu tư đi săn đất khắp nơi.

Nhà đầu tư đi săn đất khắp nơi.

Thời gian qua, giá đất tại Bắc Giang, vùng ven Hà Nội và một số tỉnh thành phía Nam tiếp tục có “sóng”, nhiều khu vực chỉ trong thời gian ngắn đã tăng từ 20 - 30%. Chuyên gia cho rằng, không thể có chuyện giá đất trong thời gian ngắn đã tăng vọt, rõ ràng đã có sự “thổi giá”.

Nhà đầu tư đi săn lùng đất khắp nơi

Gần đây, tại một số thị trường bất động sản, giá đất lại có dịp tăng nóng, điều này bắt nguồn từ việc các nhà đầu tư lo lắng về việc lạm phát xảy ra nên đổ xô đi tìm nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền.

Đơn cử, một mảnh đất rộng 100m2, tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), nằm ở mặt đường 16m, gần Quốc lộ 1A, chỉ trong 4 ngày từ giá 2 tỷ đồng đã được đẩy lên 2,8 tỷ đồng, tương đương 28 triệu đồng/m2, tăng 30% chỉ sau vài ngày.

Thậm chí, môi giới khu vực này còn khẳng định chắc nịch: “Nếu không chốt mua nhanh, vài ngày nữa có khi lại giá khác, vì nhà đầu tư đang đổ về mua vẫn rất nhiều”.

Tương tự, tại vùng ven Hà Nội, giá đất các huyện như Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, ngay sau khi có thông tin đề xuất lên thành phố cũng đã “sôi sục”. Hay một số huyện có đấu giá quyền sử dụng đất như Thanh Trì, Quốc Oai,... giá trúng đều cao gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm.

Lo lạm phát, nhà đầu tư đổ xô đi săn đất nhưng có nên  mạo hiểm xuống tiền ‘bắt đỉnh’? - Ảnh 1.

Phiên đấu giá đất mới đây tại Quốc Oai khiến nhiều người phát choáng khi giá tương đương trung tâm TP. Hà Nội.

Đáng chú ý, phiên đấu giá 32 thửa đất tại lô S2-ĐG06/2019 thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã thu hút được lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Nhiều khách hàng có mặt tại phiên đấu giá cũng phát “choáng” khi giá được đẩy lên tương đương những mảnh đất ở tuyến phố kinh doanh sầm uất bậc nhất tại trung tâm TP. Hà Nội.

Đơn cử, lô góc S2-16 tại phiên đấu giá này, có diện tích 134,3 m2 có giá khởi điểm 47,7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá trúng lên đến 99,3 triệu đồng/m2, tương đương 13,3 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần giá khởi điểm. Nếu so sánh, với số tiền 13,3 tỷ đồng có thể thừa sức mua căn nhà thuộc khu vực đường Cầu Giấy rộng 85m2, đã có nhà 2 tầng, đang được rao bán với mức giá 11,9 tỷ đồng, tương đương 137 triệu đồng/m2. Hiện căn nhà này đang được cho thuê kinh doanh với mức giá 45 triệu đồng/m2.

Đã có dấu hiệu “bơm thổi” giá đất

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay khi các thị trường truyền thống như Hà Nội và TP. HCM giá bất động sản tăng cao, nguồn cung bất động sản hạn chế và không có nhiều loại hình mới. Do đó, nhà đầu tư đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ về vùng ven và các tỉnh thành lân cận là vùng trũng của thị trường bất động sản.

“Sau dịch có 2 dòng sản phẩm mà các nhà đầu tư quan tâm nhiều là bất động sản công nghiệp và bất động sản du lịch, có khả năng sinh lợi tốt. Đây là 2 loại hình bất động sản ở Việt Nam vẫn đang là sơ khai nên các hệ thống hạ tầng vẫn chưa được hoàn hảo. Nhà đầu tư đang lựa chọn đi trước để đón sóng hạ tầng, đô thị nên khi nhu cầu tăng thì giá sẽ thay đổi”, ông Đính nói.

Đánh giá về thị trường Bắc Giang, ông Đính cho biết, tỉnh thành này hiện nay đang lấy phát triển công nghiệp làm mũi nhọn nên rất nhiều khu công nghiệp lớn được quy hoạch. Do đó bất động sản xung quanh sẽ tăng giá do hạ tầng và các khu đô thị được phát triển.

Lo lạm phát, nhà đầu tư đổ xô đi săn đất nhưng có nên  mạo hiểm xuống tiền ‘bắt đỉnh’? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư cần xét xét kỹ lưỡng về mức giá hiện tại.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng: “Để bất động sản tăng giá thì hạ tầng phải tương xứng. Nhưng không thể có chuyện giá tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn vì việc phát triển hạ tầng cần có quá trình để xây dựng, theo thôi rõ ràng đã có sự thổi giá. Nên việc đi trước đón đầu nhà đầu tư cũng cần xem xét kỹ lưỡng trước khi xuống tiền. Nếu giá đã tăng kịch trần hoặc vượt trần thì nhà đầu tư rất có khả năng bị mắc cạn nhiều năm sau khi giá đất đúng giá trị thật mới có thể bán được, còn không chỉ có đi lừa người khác mới có thể bán”.

Đánh giá về việc đầu tư đất trong thời gian này, ông Đính nhận định, khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác thì đất vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Nhưng nhà đầu tư cần cân nhắc việc vốn đầu tư là vốn thật, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.

Ngoài ra, vị chuyên gia chia sẻ thêm, việc đi trước đón đầu cũng cần có mục đích rõ ràng, nếu chỉ có mục đích đầu cơ trục lợi thì rõ ràng gây lãng phí tài nguyên đất, trong khi những người có nhu cầu thực lại không thể mua vì giá đã quá cao. Cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp ngăn chặn việc đầu cơ để bất động sản được đưa vào sử dụng hiệu quả.

Tuấn Minh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên