Lỗ lũy kế vài trăm tỷ, MoMo tiếp tục được Warburg Pincus rót tiền để chạy đua giành thị phần
Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được tải xuống nhiều nhất trong năm 2018. Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm vừa qua.
CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), đơn vị chủ quản của ví điện tử MoMo cho biết MoMo vừa kết thúc năm 2018 với mức tăng trưởng kỷ lục sau vòng gọi vốn đầu tư lần thứ 3, được dẫn dắt bởi Warburg Pincus – Công ty quản lý Quỹ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân hàng đầu thế giới. Theo đó, MoMo tiếp tục giữ vững vị trí số 1 Ví điện tử và nền tảng cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ tại Việt Nam.
MoMo cho biết kết quả kinh doanh của MoMo đã và đang tăng trưởng vượt kỳ vọng do tốc độ phát triển mạnh mẽ của phương thức thanh toán di động tại Việt Nam, với phần đông dân số trẻ yêu thích công nghệ, ưa chuộng phương thức thanh toán không tiền mặt, cho cả các giao dịch trực tuyến (online) và hữu tuyến (offline) tại điểm bán hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được tải xuống nhiều nhất trong năm 2018. Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm vừa qua.
Khoản đầu tư của Warburg Pincus đã mang về cho MoMo nguồn tài chính lớn để tiếp tục mở rộng đầu tư gia tăng thị phần. Trước đó, Momo cũng đã gọi được vốn từ các quỹ đầu tư lớn khác như Goldman Sachs hay Standard Chartered Private Equity (SCPE).
Được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng giống như ngành thương mại điện tử, hiện tại MoMo vẫn đang phải chạy đua "đốt tiền" để thu hút khách hàng mới cũng như đẩy mạnh khuyến mãi giảm giá cho các dịch vụ liên kết.
Chính vì vậy mà MoMo càng mở rộng phát triển thì mức lỗ của MoMo cũng ngày càng lớn: nếu năm 2014, công ty này mới lỗ 43 tỷ thì đến năm 2016 đã là 147 tỷ và năm 2017 lỗ tiếp 243 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, MoMo đã lỗ lũy kế 566 tỷ đồng - tương đương mức lỗ của trang thương mại điện tử TiKi và gần bằng Shopee.
Năm 2017, MoMo đạt doanh thu 1.734 tỷ đồng từ việc bán các hàng hóa, dịch vụ nhưng lãi gộp chỉ vỏn vẹn 34 tỷ đồng, tức biên lãi gộp 2,1%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý lên đến gần 300 tỷ đồng. Với doanh thu vẫn còn khá khiêm tốn cùng biên lãi gộp thấp như vậy thì việc MoMo có lãi sẽ không phải chuyện ngày một ngày hai.
Điểm yếu của MoMo so với nhiều đối thủ sinh sau đẻ muộn là không nằm trong một hệ sinh thái nào do đó phải rất vất vả trong việc xây dựng và duy trì tập khách hàng. Đơn cử như Zalo Pay thuộc hệ sinh thái của VNG như game online, Zalo, công ty liên kết TiKi; AirPay có tập khách hàng từ rất nhiều dịch vụ của Tập đoàn SEA (Garena) như game online, trang thương mại điện tử Shopee hay dịch vụ giao đồ ăn Now; Viettel Pay thuộc Viettel hay một doanh nghiệp được dự báo sớm gia nhập thị trường là VinID thuộc Vingroup.