MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại nợ xấu sẽ gia tăng trong báo cáo tài chính quý 2

24-06-2017 - 09:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc Nghị quyết chỉ áp dụng cho các khoản nợ xấu tính đến thời điểm 15/08/2017 sẽ dẫn đến khả năng nhiều ngân hàng ghi nhận thêm các khoản nợ xấu trong Quý 2 này.

Ngày 21/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Mục đích của Nghị quyết là đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu thông qua việc tạo ra một văn bản pháp lý điều hòa tạm thời những xung đột gây nên các trở ngại cho quá trình xử lý nợ xấu được quy định trong các văn bản chuyên ngành khác.

Nội dung Nghị quyết về nợ xấu bao gồm 19 điều, phạm vi điều chỉnh bao gồm toàn bộ nợ xấu phát sinh tính đến thời điểm 15/08/2017. Như vậy, phạm vi xử lý nợ xấu thấp hơn mong đợi của cơ quan soạn thảo tuy nhiên vẫn rộng hơn một số ý kiến từ các vị đại biểu quốc hội nêu ra trong các phiên thảo luận trước đó.

Nghị quyết này trao thêm cho các chủ nợ là ngân hàng, VAMC…những quyền liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo thông thoáng hơn nhiều so với các quy định hiện hành, chẳng hạn việc rút gọn các thủ tục xử lý, trao quyền cho ngân hàng thu hồi các tài sản đảm bảo mà không có tranh chấp…

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết giữ nguyên quan điểm không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Về phương thức bán nợ xấu, điểm nổi bật trong nghị quyết là cho phép bán khoản nợ xấu phù hợp với giá thị trường, tức là có thể thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Quy định này sẽ có tác động lớn đối với khối Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Trước đây, nếu bán các khoản nợ dưới giá trị sổ sách, các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro pháp lý với tội danh “làm thất thoát tài sản nhà nước”.

Dẫu vậy, theo nhận định của một số chuyên gia, việc Nghị quyết chỉ áp dụng cho các khoản nợ xấu tính đến thời điểm 15/08/2017 sẽ dẫn đến khả năng nhiều ngân hàng ghi nhận thêm các khoản nợ xấu trong Quý 2 này. Đây là hiện tượng hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi với các khoản nợ phát sinh sau đó sẽ không được hưởng các đặc quyền như nợ xấu cũ. Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng không quá lo ngại về vấn đề này vì nó chỉ liên quan đến cách hạch toán kế toán. Bản chất của vấn đề sẽ không có gì thay đổi nhiều.

Minh Phương

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên