MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại về rủi ro phía sau khoản thu ngân sách đột biến từ chứng khoán, bất động sản

Lo ngại về rủi ro phía sau khoản thu ngân sách đột biến từ chứng khoán, bất động sản

"Có hay không hiện tượng những nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra rồi lại quay vòng tiếp, vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?" - Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội.

Vừa qua, một số trung tâm kinh tế, công nghiệp quan trọng có đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước lớn đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, mất thị trường, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và thu nộp ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi nhưng không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng không chỉ đến thị trường tiêu thụ và cả đến thị trường các yếu tố đầu vào. Vì vậy, những khó khăn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, cả từ thu xuất nhập khẩu cũng như thu nội địa.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Kinh tế, Tài chính, Ngân sách, Xã hội, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhận thấy: mặc dù đã có điều chỉnh giảm so với dự toán 2020 nhưng ngân sách trung ương vẫn hụt thu 29.300 tỷ đồng, trong khi đó tổng thu ngân sách lại có tăng trưởng. 

"Vậy cơ cấu thu ngân sách tăng trưởng ở đâu?" - Đại biểu này đặt câu hỏi.

Bà Thơ nhận định, thực tế cho thấy, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Bà cũng đặt nghi vấn việc có hay không hiện tượng những nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra rồi lại quay vòng tiếp, vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản. 

"Việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này" - Đại biểu đoàn Hà Tĩnh kiến nghị.

Giải đáp ý kiến cho rằng năm nay khó khăn như vậy thì tăng thu ở khoản nào, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: "Thu nội địa tăng lên, chẳng hạn thu tăng lên 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước như truy thu thuế nhà thầu của Formosa được 2.257 tỷ đồng, xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ đồng, thu ngân sách đối với các khoản khác là 2.500 tỷ đồng và phát sinh đột biến là 2.997 tỷ đồng tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ. Một số khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là tăng lên 22.800 tỷ đồng như là chứng khoán, bất động sản, khối tài chính, ngân hàng và hoạt động sát nhập, chuyển nhượng vốn và các hoạt động lắp ráp xe ôtô. Thu dầu thô cũng tăng lên 12.000 tỷ đồng. Thu xuất, nhập khẩu tăng lên 10.500 tỷ đồng".

Hoàng Hà

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên