MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ nguyên nhân khiến nhiều dự án trọng điểm ở Cần Thơ chậm tiến độ

Lộ nguyên nhân khiến nhiều dự án trọng điểm ở Cần Thơ chậm tiến độ

Ba dự án trọng điểm ở TP. Cần Thơ hiện nay còn chậm tiến độ như: Dự án kè bờ sông Cần Thơ; dự án kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn và các gói thầu xây lắp cải tạo rạch Cái Sơn – Mương Khai…

Ngày 24/2, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ cùng các sở, ngành đã đi kiểm tra thực tế ba dự án, gồm: dự án kè bờ sông Cần Thơ ứng phó biến đổi khí hậu, dự án kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn; các gói thầu xây lắp cải tạo rạch Cái Sơn – Mương Khai và đường Hoàng Quốc Việt và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.

Lộ nguyên nhân khiến nhiều dự án trọng điểm ở Cần Thơ chậm tiến độ - Ảnh 1.

Kiểm tra dự án Kè sông Cần Thơ.

Theo đó, dự án kè bờ sông Cần Thơ ứng phó biến đổi khí hậu có chiều dài hơn 5,1 km, tổng vốn đầu tư hơn 810 tỷ đồng đi qua địa bàn quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Phong Điền. Thời gian triển khai từ năm 2016 đến tháng 9/2021. Dự án có 4 gói thầu xây lắp với giá trị 509 tỷ đồng. Đến nay, dự án mới được bàn giao mặt bằng được hơn 60% và giá trị giải ngân thanh toán cho 4 gói thầu là hơn 251 tỷ đồng (49,3%). Tuy nhiên, tổng giá trị thực hiện của các gói thầu này mới chỉ đạt 140 tỷ đồng/509 tỷ đồng (27,5%).

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ, do việc bồi thường hỗ trợ tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng còn nhiều khó khăn nên người dân chưa di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Vừa qua, UBND TP. Cần Thơ có tờ trình gửi HĐND TP chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, bao gồm điều chỉnh tổng mức đầu tư, gia hạn ngày rót vốn ODA. Thời gian thực hiện cũng được điều chỉnh đến năm 2023.

Đối với dự án Kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn, theo Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, dự án có tổng chiều dài hơn 2,8 km, đi qua địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Dự án có tổng mức đầu tư gần 315 tỷ đồng; trong đó, giá trị dự toán xây dựng công trình là hơn 288 tỷ đồng. Đến nay, ngân sách Trung ương đã giải ngân được 140,3 tỷ/252,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55% còn ngân sách địa phương đã giải ngân được 30,5 tỷ đồng, đạt 100%.

Dù đã hết thời gian thực hiện nhưng tiến độ dự án đến nay còn rất chậm, mới chỉ hoàn thành 51%. Trong số 3 gói thầu của dự án này thì gói thầu số 1 với chiều dài 785m tiến độ mới đạt 18%. Do đó, chủ đầu tư đã có kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện của dự án sang giai đoạn 2021 – 2025.

Lộ nguyên nhân khiến nhiều dự án trọng điểm ở Cần Thơ chậm tiến độ - Ảnh 2.

Công trình cải tạo đường Hoàng Quốc Việt chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, các gói thầu xây lắp cải tạo rạch Cái Sơn – Mương Khai và đường Hoàng Quốc Việt thuộc dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ban Quản lý Dự án ODA thành phố thực hiện cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như như tiến độ bàn giao mặt bằng chậm, nhà thầu chưa chủ động lập kế hoạch triển khai thi công cũng như chưa tập trung nhân lực, thiết bị, tài chính để đáp ứng tiến độ thi công gói thầu; kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng chưa được bố trí đầy đủ.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án ODA TP. Cần Thơ, công trình cải tạo đường Hoàng Quốc Việt cần khoảng 164 tỷ đồng để bồi thường hỗ trợ tái định cư nhưng hiện nay mới chỉ có 10 tỷ đồng, còn thiếu trên 150 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, qua kiểm tra các dự án trên thì các chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công đều đang triển khai đồng loạt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sớm hoàn thành để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án trên cũng còn một số khó khăn do cả ba dự án đều phải điều chỉnh và việc điều chỉnh đều cần thông qua Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương phê duyệt. Việc bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm.

Hiện UBND TP. Cần Thơ đang chỉ đạo chủ đầu tư cùng các sở, ngành liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện việc điều chỉnh ba dự án này trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra thành phố cũng chỉ đạo cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, UBND TP. Cần Thơ cũng đề xuất với HĐND thành phố, các bộ, ngành để bố trí thêm vốn cho những dự án này trong quá trình điều chỉnh để làm sao hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021 – 2022, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.



Theo Nhật Huy

Theo Tiền Phong

Trở lên trên