MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại bỏ sàn UPCoM và OTC, có khả thi?

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên năm 2016 (VBF) diễn ra ngày hôm qua tại Hà Nội, một trong những kiến nghị đáng chú ý là đề xuất cân nhắc việc loại bỏ sàn UPCoM và OTC, yêu cầu doanh nghiệp (DN) niêm yết thẳng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc TP.HCM. Kiến nghị này có cơ sở để thực hiện hay không?

Hàng nghìn DN chưa niêm yết

Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đến thời điểm này có khoảng 377 mã CP đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Không chỉ tăng về số lượng, nhiều DN có quy mô vốn rất lớn đã lên giao dịch tại đây như Tổng công ty CP Cảng hàng không Việt Nam (vốn điều lệ hơn 21.700 tỷ đồng). Một ông lớn khác cùng ngành là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có văn bản gửi Trung tâm Lưu ký chứng khoán lịch chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch hơn 1,2 tỷ CP (mã chứng khoán HVN) trên UPCoM.

Ngoài ra, hiện có hàng nghìn DN là công ty đại chúng chưa đưa CP lên giao dịch tại bất cứ thị trường nào (HNX, HOSE, UPCoM). Các CP này đang được mua - bán trên thị trường chứng khoán tự do (OTC). Vì nhiều lý do, các DN chưa lên sàn trong khi đó nhu cầu chuyển nhượng CP là có thật.

Câu hỏi đặt ra là, kiến nghị của Nhóm công tác thị trường vốn về việc cân nhắc loại bỏ 2 sàn trên có khả thi hay không?

Tăng xử phạt thay vì loại bỏ

Ông Hoàng Minh Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP OTC Việt Nam (đơn vị chủ quản website: www.sanotc.com) cho biết, cần duy trì nhiều sàn giao dịch chứng khoán thay vì tập trung vào 2 sàn chứng khoán niêm yết theo như đề xuất của Nhóm công tác thị trường vốn, bởi điều kiện Việt Nam hiện nay đòi hỏi sự đa dạng, do trình độ quản trị, nhu cầu vốn, mức độ minh bạch và trạng thái phát triển rất khác nhau. “Hiện nay các DN khởi nghiệp cũng có nhu cầu giao dịch, chuyển nhượng CP.

Tuy nhiên các DN này không thể đáp ứng yêu cầu về vốn, mức độ đại chúng, lợi nhuận. CP của họ sẽ giao dịch ở đâu?” - ông Sơn nêu câu hỏi. Ông cũng cho biết thêm, ở những nước như Mỹ có rất nhiều sở hoặc sàn giao dịch đáp ứng các tiêu chí khác nhau, cũng có sàn OTC là www.otcmarkets.com hoạt động rất sôi động với gần 10.000 mã CP với vốn hóa lên tới cả tỷ USD. Thay vì khống chế, bó buộc thì nên tạo luật chơi để thị trường phát triển đa dạng cho đủ mọi nhu cầu của nhà đầu tư!

Kiến nghị loại bỏ OTC và UPCoM có lẽ xuất phát từ việc “chây ì” không lên thị trường tập trung của các DNNN đã thực hiện cổ phần hóa và những vụ tai tiếng trên thị trường này. Kiến nghị này có thể không được thực hiện, nhưng là hồi chuông cảnh báo đối với cơ quan quản lý trong việc thực thi nghiêm túc các quy định đã được ban hành.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán SHB (SHBS) nhấn mạnh, tại các nước phát triển vẫn tồn tại nhiều thị trường chứng khoán khác nhau, đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhiều loại CP và “khẩu vị” của nhà đầu tư khác nhau. Ở Việt Nam với đặc điểm có nhiều DNNN thực hiện cổ phần hóa từ lâu, nhiều công ty cổ phần nhưng chưa đại chúng trong khi nhà đầu tư vẫn có nhu cầu giao dịch CP, nên tồn tại thị trường OTC là cần thiết.

Đối với thị trường giao dịch CP chưa niêm yết UPCoM, gần đây đã có nhiều quy định theo hướng chặt chẽ, hướng DN lên giao dịch ngay sau khi IPO, nên kiến nghị loại bỏ thị trường này không thực sự khả thi. Mặc dù không loại bỏ, nhưng làm thế nào để hạn chế những câu chuyện như CP “ma”, thông tin minh bạch hơn là nhu cầu bức thiết. “Cần nâng cao mức xử phạt và gắn chặt với trách nhiệm cá nhân để làm lành mạnh hóa thị trường UPCoM”, ông Minh nêu quan điểm.

Theo một chuyên gia chứng khoán, kiến nghị loại bỏ OTC và UPCoM có lẽ xuất phát từ việc “chây ì” không lên thị trường tập trung của các DNNN đã thực hiện cổ phần hóa và những vụ tai tiếng trên thị trường này. Kiến nghị này có thể không được thực hiện, nhưng là hồi chuông cảnh báo đối với cơ quan quản lý trong việc thực thi nghiêm túc các quy định đã được ban hành.

Diễn đàn VBF mỗi năm diễn ra một lần, là dịp để các nhà đầu tư nước ngoài gửi kiến nghị đến Chính phủ Việt Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản gia nhập thị trường.

Liên quan đến thị trường vốn, ngoài việc kiến nghị cân nhắc loại bỏ sàn UPCoM và OTC, Nhóm công tác thị trường vốn còn kiến nghị vấn đề cổ phần hóa. Nhóm này đề xuất phải cụ thể và công khai lộ trình cổ phần hóa bao gồm liệt kê tên của các DNNN sẽ được cổ phần hóa, dự kiến thời gian thực hiện cổ phần hóa. Để lên sàn giao dịch tập trung đúng thời hạn, Nhóm này đề xuất tăng mức phạt vi phạm về thời gian niêm yết và thủ tục niêm yết lên 10% lợi nhuận ròng của công ty vi phạm. Đồng thời, buộc chủ tịch và các thành viên HĐQT những công ty này phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc vi phạm thời hạn niêm yết và thủ tục niêm yết.

Theo Trâm Anh

Báo Đấu thầu

Trở lên trên