MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Loại vàng mới" trong cơn khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

25-09-2022 - 20:20 PM | Tài chính quốc tế

"Loại vàng mới" trong cơn khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang giáng đòn mạnh vào người tiêu dùng trên lục địa này.

"Củi là loại vàng mới" ở châu Âu

Jörg Mertens biết rằng căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt. Thế nhưng, khi nhận về loạt hóa đơn tháng 8, ông Mertens đã "ngã ngửa".

Theo Washington Post, chi phí năng lượng mà ông phải chỉ trả trong tháng 8 đã tăng 70%.

"Tôi thấy sợ", người đàn ông 60 tuổi ở Munich, Đức, trả lời phóng viên với giọng đứt quãng. Tiền điện và sưởi ấm của ông trong tháng 8 tăng khoảng 190 USD so với 112 USD trước đó.

Điều này nghĩa là sau khi chi trả tiền thuê nhà và hóa đơn năng lượng, ông Mertens sẽ chỉ còn 366 USD/tháng cho các loại chi phí khác như thực phẩm, thuốc men và vận chuyển trong thời điểm lạm phát tồi tệ nhất của nước Đức kể từ những năm 1970.

Ông Mertens, một người về hưu non có bệnh về cột sống và khoản thu nhập duy nhất là số tiền lương hưu ít ỏi, cho biết: "Tôi sẽ phải giảm chi tiêu cho thức ăn. Mùa đông sắp đến, tôi phải làm sao để trả tiền thuê nhà đây?".

Loại vàng mới trong cơn khủng hoảng năng lượng ở châu Âu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang giáng đòn mạnh vào người tiêu dùng trên lục địa này. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - bao gồm Đức, Anh, Italy và Hà Lan - đã chứng kiến hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng tăng giá lên đến 210%, trong khi các quan chức và nhà phân tích cảnh báo về viễn cảnh phân phối năng lượng và mất điện trong mùa đông.

Ở Anh, những người dân gặp khó về tiền nong đang từ bỏ vật nuôi của họ, trong khi các trường học cảnh báo rằng chi phí năng lượng tăng cao đồng nghĩa với việc họ không còn đủ khả năng mua sách giáo khoa mới.

Tại Ba Lan, giới chức đang cân nhắc khả năng phân phối khẩu trang chống bụi vì người Ba Lan định đốt rác để sưởi ấm vào mùa đông.

Ở Đức, nhiều người dân ở khu vực Tây Berlin cũ đang phủi bụi những lò đốt than và củi từng được coi là vật đảm bảo nếu nguồn cung năng lượng bị ảnh hưởng trong thời Chiến tranh Lạnh.

Một số quốc gia châu Âu đang đối mặt với tình trạng khan hiếm và tăng giá củi. Những kẻ trộm cắp, lừa đảo cũng nhanh chóng "đánh hơi" được cơ hội: chúng ăn cắp củi từ trên xe tải; thiết lập các trang web giả mạo, đóng giả là người bán gỗ để lừa tiền từ những người tiêu dùng tuyệt vọng.

Trong khi đó, tại một số quốc gia, các lò đốt và lò nung dùng củi đã gần như "cháy hàng".

Ông Franz Lüninghake, 62 tuổi, một nhân viên quản trị hệ thống ở Bremen, Đức, nói rằng giờ đây củi là "loại vàng mới".

Ông Norbert Skrobek, một kỹ thuật viên được cấp phép kiểm tra và tư vấn về các lò đốt dùng củi và than, cho biết ông nhận thấy nhu cầu tăng vọt khi người Berlin tân trang các lò sưởi cũ và lắp đặt các lò sưởi mới. Ông đã bày tỏ lo ngại rằng việc người dân địa phương mua máy sưởi di động có thể gây rò rỉ khí carbon monoxide nguy hiểm, nếu họ lắp đặt hoặc sử dụng sai cách.

Loại vàng mới trong cơn khủng hoảng năng lượng ở châu Âu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Các quốc gia châu Âu đang gấp rút tăng cường dự trữ nhiên liệu, cắt giảm tiêu thụ và tìm kiếm nguồn cung thay thế cho khí đốt Nga, đồng thời cam kết hỗ trợ tài chính trị giá hàng ngàn tỷ euro cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những biện pháp kể trên khó có thể bù đắp hoàn toàn mức tăng giá năng lượng. Giới phân tích đã cảnh báo về viễn cảnh đói nghèo gia tăng, tầng lớp trung lưu chật vật chi trả các hóa đơn, nợ chính phủ ngày càng tăng, và tác hại đối với môi trường ngày càng lớn hơn.

Bên cạnh việc Nga cắt giảm nguồn cung, tình hình còn tồi tệ hơn khi Pháp đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân theo lịch để bảo dưỡng. Giới chức Pháp đã cảnh báo người dân về khả năng mất điện luân phiên vào khoảng cuối năm nay. Và để tiết kiệm năng lượng, tháp Eiffel nổi tiếng đã phải tắt đèn sớm hơn so với thường lệ.

Từ Naples (Italy) đến Nuremberg (Đức), người tiêu dùng đang phải đối mặt với những hóa đơn năng lượng gây sốc.

Người châu Âu vốn đã phải trả nhiều tiền cho năng lượng hơn người Mỹ, do họ chi trả cho cả quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thông qua các loại thuế và biểu giá trên hóa đơn của họ. Giờ đây, khoảng cách đó ngày càng lớn hơn.

Một mùa đông đầy khó khăn đang đến rất gần

Đối mặt với một mùa đông khó lường, người tiêu dùng châu Âu đang ngày càng cạn kiệt hy vọng.

Tại Anh, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy có khoảng 1/4 số người tham gia trả lời dự định không bật máy sưởi trong mùa đông này.

Khác với một số nước láng giềng châu Âu, Anh không phụ thuộc nhiều vào Nga về khí đốt tự nhiên - nguồn cung khí đốt Nga chỉ chiếm chưa đến 4% tại Anh. Tuy nhiên, thị trường năng lượng của Anh đã bị tác động do tình trạng thiếu hụt ở những nơi khác. Giá khí đốt trong nước đã tăng 96% và giá điện tăng 54% chỉ trong năm nay, tính đến tháng 7.

Trong thông báo lớn đầu tiên với tư cách là người đứng đầu chính phủ, tân Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết giá năng lượng tiêu dùng sẽ giữ nguyên trong vòng 2 năm, một hộ gia đình bình thường sẽ chi trả tối đa 2.885 USD tiền năng lượng/năm, thấp hơn 1.000 USD so với mức giá thương mại.

Loại vàng mới trong cơn khủng hoảng năng lượng ở châu Âu - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ông Ed Trewhitt, 55 tuổi, chủ tiệm bánh Brickyard Bakery ở Guisborough, Anh, cho biết biện pháp hỗ trợ của chính phủ là chưa đủ để cứu công việc kinh doanh của ông.

Ông Trewhitt cho biết nếu giá năng lượng vẫn tiếp tục ở mức cao như hiện tại, ông sẽ buộc phải đóng cửa tiệm bánh vào năm tới. Chi phí vận hành lò nướng bánh mì của ông đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, lên 2.300 USD một tháng, do lạm phát ở Anh tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng đến các chi phí đầu vào khác, chẳng hạn như chi phí mua bột mì.

Nhiều người đã bắt đầu tích trữ củi từ nhiều tuần trước do lo lắng về mùa đông lạnh giá, khiến giá củi tăng vọt.

Tại một ngôi làng ở Ag, Hungary, cách thủ đô Budapest khoảng 2 giờ lái xe, cô Nikoletta Kelemen cho biết giá củi - hầu như chỉ được sử dụng làm nhiên liệu trong mùa đông - đã tăng gần gấp đôi. Một cây gỗ đủ điều kiện chặt làm củi hiện có giá bằng khoảng một nửa mức lương trung bình của người dân trong làng (249 USD/tháng).

"Tôi có thể tưởng tượng ra viễn cảnh người ta bắt đầu đốt đồ nội thất trong nhà", Kelemen nói.

Loại vàng mới trong cơn khủng hoảng năng lượng ở châu Âu - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, ông Götz Bülow von Dennewitz, người giám sát quản lý rừng trong khu vực, cho biết nạn trộm cắp gỗ ở các khu rừng xung quanh Stuttgart, Đức đã gia tăng.

Ông nói: "Họ lái xe vào rừng bằng rơ-moóc hoặc máy kéo, xe tải và cần cẩu. Những người đó có thiết bị chuyên nghiệp để cưa gỗ và đưa gỗ ra ngoài một cách trắng trợn."

Các nhà chức trách đã cảnh báo rằng việc chặt phá rừng bất hợp pháp và lượng khí thải từ các lò đốt cũ khiến việc đốt củi không thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nhiều người dân cảm thấy họ ngày càng có ít lựa chọn hơn khi mùa đông đến gần, theo Washington Post./.


Theo Hồng Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên