MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt cổ phiếu khiến VN-Index mất gần 28 điểm, vốn hóa "bốc hơi" hơn 111.000 tỷ đồng

Loạt cổ phiếu khiến VN-Index mất gần 28 điểm, vốn hóa "bốc hơi" hơn 111.000 tỷ đồng

Nhóm VN30 hôm nay giảm gần 30 điểm với toàn bộ cổ phiếu trong rổ đều kết phiên giá đỏ.

Sau nhịp điều chỉnh nhẹ phiên trước, giới phân tích vẫn tương đối lạc quan cho rằng xu hướng tăng của thị trường và quãng phục hồi vẫn tiếp tục. Ngưỡng 1.065 điểm được cho sẽ là vùng hỗ trợ cứng trong ngắn hạn của VN-Index. Tuy nhiên diễn biến phiên 22/2 khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng khi thị trường chìm trong sắc đỏ hầu hết phiên giao dịch. VN-Index liên tục nới rộng đà giảm và kết phiên ở mức thấp nhất ngày.

Kết quả, VN-Index mất 27,95 điểm (-2,58%) xuống 1.054,28 điểm, riêng nhóm VN30 hôm nay giảm gần 30 điểm với toàn bộ cổ phiếu trong rổ đều kết phiên giá đỏ. Tính chung trên toàn thị trường, có tới 649 mã cổ phiếu giảm điểm, trong đó có 29 mã giảm hết biên độ.

Loạt cổ phiếu khiến VN-Index mất gần 28 điểm, vốn hóa bốc hơi hơn 111.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Mức giảm phiên ngày 22 là biên độ giảm mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ phiên đầu tháng 1/2. Tính theo giá trị tương đối, đánh mất 2,58% giá trị khiến thị trường Việt Nam lọt top những thị trường châu Á diễn biến “tệ” nhất phiên hôm nay.

Về diễn biến các nhóm ngành, hầu hết cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí NVL, DRH, DXG, HCM... còn giảm sàn. Mức giảm trên 2% xuất hiện tại hầu hết các mã, các "ông lớn" nhà băng như CTG, VIB, TPB, VPB, BID, STB, ACB, TCB,…

Phiên ngày Thứ 4 đã "thổi bay" khoảng 111.350 tỷ đồng vốn hoá của HoSE, giá trị còn lại rơi về mức 4.204.421 tỷ đồng.

Loạt cổ phiếu khiến VN-Index mất gần 28 điểm, vốn hóa bốc hơi hơn 111.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Xét về mức độ đóng góp cụ thể, bộ đôi bluechips VHM và BID trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tổng cộng 4,4 điểm trong phiên đầu tuần. Cụ thể, VHM giảm tới 5,8% xuống còn 42.600 đồng/cổ phiếu, khiến VN-Index giảm hơn 2,8 điểm; BID giảm sâu 2,7% về 45.000 đồng/cp, khiến VN-Index giảm gần 1,6 điểm.

Bên cạnh đó, VCB và VIC tiếp tục là hai nhân tố đè mạnh lên thị trường khi lần lượt lấy đi 1,4 điểm và 1,2 điểm của chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai ông lớn đầu ngành ngân hàng và bất động sản này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, trong khi VCB mất 1,3%, về mức 93.000 đồng/cp thì VIC cũng giảm 2,4% xuống 53.000 đồng/cp.

Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như CTG, MSN, VNM, VRE, GVR...

Việc những nhóm trụ cột của thị trường như "bank, chứng thép" cùng bluechips dòng bất động sản điều chỉnh đã khiến các chỉ số nhanh chóng lao dốc không phanh. Cộng thêm lực cầu chưa thực sự sẵn sàng quay trở lại khiến thị trường càng mất đi lực chống đỡ. Thanh khoản tại sàn HOSE chỉ hơn 11.600 tỷ đồng

Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như TMP, STG, SII đặc biệt HQC tăng kịch trần không thể giúp thị trường tránh một phiên giảm mạnh.

Loạt cổ phiếu khiến VN-Index mất gần 28 điểm, vốn hóa bốc hơi hơn 111.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect, xét trên phương diện kỹ thuật, thị trường chứng khoán sẽ gặp thử thách khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065- 1.080 điểm. Nếu không vượt qua được kháng cự trên với thanh khoản cải thiện, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trở lại và kiểm định vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm một lần nữa trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn.

Tuy nhiên nếu xét về triển vọng dài hạn kết hợp các yếu tố vĩ mô, giới chuyên gia vẫn tỏ ra tích cực khi đánh giá về thị trường. Ông Michael Kokalari – Kinh tế trưởng Vinacapital vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng thị trường Việt Nam sẽ còn tăng cao hơn nữa vào năm 2023, ngay cả sau khi đã có một khởi đầu thuận lợi.

Kinh tế trưởng Vinacapital tin rằng giai đoạn giảm điểm của TTCK Việt Nam hiện đã kết thúc và có sự đồng thuận về kỳ vọng VN-Index sẽ tăng hơn 20% với sự phục hồi về cơ bản là do sự cải thiện ở cả yếu tố trong nước và quốc tế vốn đã tạo áp lực lên thị trường trong năm ngoái. Áp lực lạm phát toàn cầu hiện đang giảm bớt, điều đó có nghĩa là việc tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương làm suy yếu các TTCK phát triển lẫn mới nổi vào năm ngoái có thể sẽ sớm kết thúc.

Song, cũng cần nói rằng, việc kết quả kinh doanh tăng trưởng thấp trong quý 4/2022 cũng khiến P/E của thị trường bị đẩy lên mức cao đáng kể. Báo cáo gần đây của WiGroup đã nhận định mức định giá hiện tại của VN-Index đã về vùng hợp lý cho giai đoạn tới song không còn quá hấp dẫn. Điều này phần nào phản ánh tình hình kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên