Loạt doanh nghiệp ở Đồng Nai ngưng sản xuất
Từ 0 giờ ngày 22/7, hàng loạt doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phải tạm ngưng hoạt động vì không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” (doanh nghiệp phải lo đủ điều kiện cho công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy) hoặc “một cung đường, 2 địa điểm” của chính quyền tỉnh này, từ đó dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, kéo theo nhiều thiệt hại cho DN và người lao động.
Đóng cửa hàng loạt
Chiều 21/7, ông Lê Nhật Trường - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) cho biết: “Căn cứ vào quy định của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19 trên địa bàn tỉnh, Ban chấp hành Công đoàn và Ban giám đốc Công ty đã họp, thảo luận và thống nhất tạm ngừng hoạt động công ty và cho hơn 25 ngàn lao động tạm nghỉ từ ngày 22/7 đến hết ngày 1/8”. Theo đó, tiền lương những ngày người lao động phải ngừng việc được trả theo Luật Lao động với mức tối thiểu vùng. Công ty khuyến khích người lao động nghỉ phép năm nếu còn.
Chiều cùng ngày, Công ty TNHH Dona giày Dona Standard (huyện Xuân Lộc) có trên 29 ngàn lao động, thông báo tạm ngừng hoạt động từ 22/7 để phòng dịch COVID-19. Theo phía doanh nghiệp này, ngoài một số lao động được công ty sắp xếp đi làm trên tinh thần tự nguyện, những lao động còn lại không đi làm trong thời gian này sẽ nhận được tiền lương ngừng việc theo mức tối thiểu vùng 170 ngàn đồng/người/ ngày. Công ty TNHH Hwaesung Vina (huyện Nhơn Trạch) cũng thông báo mới tạm ngừng hoạt động và cho 15 ngàn lao động tạm nghỉ việc từ ngày 22/7 đến ngày 1/8. Công ty sẽ trả lương ngừng việc cho người lao động mức lương tối thiểu vùng 170 ngàn đồng/người/ngày. Tương tự, Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom) quyết định tạm ngừng hoạt động 3 nhà máy với hơn 30 ngàn lao động, gồm Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam, Công ty TNHH Dona Pacific và Công ty TNHH giày Đồng Nai Việt Vinh.
Sản xuất trong yêu cầu chống dịch tại Cty Fujisu VN
Công ty CP Taekwang Vina (KCN 2, TP Biên Hòa) thông báo tạm ngừng hoạt động các nhà máy và cho khoảng 40 công nhân tạm nghỉ việc để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trước đó, Cty Pouchen Việt Nam có 17 ngàn công nhân (TP Biên Hòa) và Cty Chang Shin với gần 40 ngàn lao động (huyện Vĩnh Cửu) cũng đã tạm dừng hoạt động vì có công nhân mắc COVID-19.
Tính đến 22/7, toàn tỉnh Đồng Nai đã có gần 230 DN tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được quy định “3 tại chỗ” về phòng, chống dịch của tỉnh Đồng Nai, hầu hết là các doanh nghiệp FDI của các tập đoàn lớn với hàng trăm ngàn lao động. Trước thời điểm quy định có hiệu lực, hàng loạt doanh nghiệp của các tập đoàn lớn có số người lao động (NLĐ) từ trên 10 ngàn đến trên 40 ngàn người cũng đã thông báo tạm dừng hoạt động, cho NLĐ được tạm nghỉ việc hưởng lương tối thiểu vùng theo quy định.
Ông Nông Văn Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Việc tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” chỉ phù hợp cho các DN có ít lao động, còn các DN có vài ngàn đến vài chục ngàn thì không thể đáp ứng được, bắt buộc DN phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch”.
Lo đứt gãy sản xuất
Ông Bùi Thế Kích, Tổng Giám đốc Cty may Đồng Nai cho hay, trong những tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp ngành dệt may nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn so với năm trước đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để tránh đứt gãy nguồn nguyên liệu, các DN đã chủ động tìm nhiều nguồn cung nguyên liệu khác nhau trong nước và nước ngoài để đảm bảo sản xuất. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, đơn đặt hàng may mặc tăng cao nhưng công ty không lo nhiều đến nguyên liệu đầu vào mà chỉ lo tuyển dụng thêm lao động để đảm bảo sản xuất giao hàng đúng hợp đồng trong năm. Tuy nhiên, khi thực hiện “3 tại chỗ”, công ty phải đối mặt với thách thức mới,đe dọa đến tình hình sản xuất của công ty. Cụ thể, theo ông Kích, do công nhân may phần lớn là nữ, nên điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” cũng rất khó thực hiện. Riêng Cty may Đồng Nai, hiện chỉ còn khoảng 50% trong số hàng ngàn lao động tiếp tục làm việc. “Tình hình này nếu kéo dài, rất khó để công ty duy trì ổn định sản xuất đáp ứng được tiến độ hợp đồng. Hiện chúng tôi đang phải đàm phán lại với đối tác về thời gian thực hiện hợp đồng”, ông Kích lo lắng.
Với khoảng 2.000 lao động, nhưng Cty FujisuVN (KCN Biên Hòa 2) cũng phải tạm dừng họat động vì điều kiện của nhà máy không thể đáp ứng được phương án sản xuất "3 tại chỗ". Theo ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự Cty Fujisu VN cho biết: “ Công ty đã triển khai phòng chống dịch bệnh tốt, nhưng điều kiện mặt bằng không thể thực hiện được “3 tại chỗ”, nên phải tạm ngưng sản xuất”. Từ nhiều ngày qua, khi TP Biên Hòa phong tỏa đã khiến trên 60% công nhân của công ty phải tạm nghỉ vì ở trong khu vực cách ly và điều này cũng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của công ty.
Theo Ban Quản lý Các KCN Đồng Nai, đến ngày 21/7 có 228 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bố trí cho trên 37.000 lao động tạm lưu trú tại công ty theo phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo công tác sản xuất, vừa phòng dịch COVID -19. Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, có trên 310 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sản xuất “3 tại chỗ” các cơ quan chức năng đang kiểm tra, khảo sát nơi lưu trú đảm bảo an toàn công tác phòng dịch cho người lao động mới đồng ý phương án của các doanh nghiệp.
Tiền Phong