Loạt dự án hạ tầng để tỉnh có vị trí chiến lược vùng Đông Nam Bộ “cất cánh"
Tỉnh quyết tâm thực hiện kế hoạch phát triển 35 cụm công nghiệp tại 11 huyện, thị xã với tổng nhu cầu nguồn vốn lên đến 5.900 tỷ đồng...
- 30-03-2024Hơn 60.000 tỉ đồng đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu
- 30-03-2024Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ gặp khó
- 30-03-2024‘Có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt’
Bình Phước đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị...
Trong đó, để phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản, huyện Phú Riềng.
Tỉnh quyết tâm thực hiện kế hoạch phát triển 35 cụm công nghiệp tại 11 huyện, thị xã với tổng nhu cầu nguồn vốn lên đến 5.900 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ có 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 583 ha. Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh sẽ có thêm 14 cụm công nghiệp được bổ sung với dự kiến tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp Bình Phước là 33 ha/cụm.
Bình Phước ưu tiên phát triển khu công nghiệp có quy mô nhỏ có diện tích dưới 500 ha và khu công nghiệp có quy mô vừa diện tích từ 500 ha đến dưới 1.000 ha; không phát triển các dự án khu công nghiệp quá lớn với diện tích trên 1.000 ha.
Lý do đến từ vị trí địa lý chiến lược, Bình Phước giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là 1 trong 8 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế, đặc biệt với Campuchia, Lào, Thái Lan. Trong tương lai, Bình Phước có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, để Bình Phước “cất cánh”, vấn đề liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển. Đó là phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng. Cụ thể, dự án xây dựng đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Chơn Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sẽ góp phần hình thành tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 14, kết nối Vùng Tây Nguyên và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đăk Nông đi Bình Phước về Tp. Hồ Chí Minh, cũng như tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Ngoài ra, địa phương xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh như: đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư, tuyến ĐT 753...
Tỉnh đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tp. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) đoạn Chơn Thành - Đắk Nông; quy hoạch sân bay quân sự Technic chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản, quy mô diện tích khoảng 350 ha; đầu tư xây dựng 3 cảng cạn tại cửa khẩu Hoa Lư huyện Lộc Ninh với quy mô khoảng 25 ha, tại thị xã Chơn Thành với quy mô khoảng 46 ha, tại huyện Đồng Phú với quy mô khoảng 40 ha.
Đối với phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, tỉnh tổ chức các khu nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú; hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và thị xã Bình Long.
Địa phương sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn. Trong số đó, bổ sung 2 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại huyện Phú Riềng và tại Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư.
Ngoài ra, Bình Phước đầu tư xây dựng khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho vùng Đông Nam Bộ có diện tích khoảng 200 ha tại thành phố Đồng Xoài; xây dựng mới, mở rộng quy mô, vận hành có hiệu quả các trung tâm logistics, kho hàng, kho ngoại quan gắn với các đô thị, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, lối thông quan.
Tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm khai thác hiệu quả vị trí địa chiến lược của tỉnh, phát triển Bình Phước trở thành trung tâm dịch vụ logistics kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam; đầu tư xây dựng mới hệ thống kho hàng thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Chơn Thành và các địa bàn phù hợp với nhu cầu trung chuyển, lưu trữ hàng hóa của từng khu vực.