Loạt ngân hàng thông báo mua cổ phiếu quỹ
HDBank, VPBank dự kiến sẽ mua lại cổ phiếu quỹ nhằm hỗ trợ thị giá.
Tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích cuối tháng 8, Phó Tổng giám đốc VPBank Lưu Thị Thảo cho biết ngân hàng sẽ tìm cơ hội để mua lại cổ phiếu quỹ nhưng chưa tiết lộ con số cụ thể. HĐQT sẽ quyết định khối lượng mua nhằm đảm bảo chất lượng tài sản và lợi ích cổ đông. Trước đó, cổ đông đã thông qua phương án mua lại tối đa 10% cổ phiếu quỹ của ngân hàng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV.
Từ đầu năm, cổ phiếu VPB của VPBank tăng 2% và vẫn thấp hơn 51% từ đỉnh tháng 4/2018, hiện giao dịch quanh 20.400 đồng/cp. Ước tính, nếu muốn mua tối đa lượng cổ phiếu quỹ được thông qua, ngân hàng sẽ cần chi gần 5.000 tỷ đồng. Nguồn thực hiện được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Nguồn: VNDirect.
Năm trước, sau khi thị giá giảm, nhiều lãnh đạo và người có liên quan tại ngân hàng đã mua vào cổ phiếu. Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu. Mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên mua 13 triệu đơn vị vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2018.6 tháng đầu năm, VPBank lãi sau thuế 3.471 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2018, nâng lãi lũy kế chưa phân phối lên 8.303 tỷ đồng, bên cạnh thặng dư vốn cổ phần hơn 1.289 tỷ đồng và các quỹ của tổ chức tín dụng hơn 5.821 tỷ đồng.
Việc mua lại cổ phiếu của ban lãnh đạo và ngân hàng được cho là động thái nhằm hỗ trợ thị giá cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu nhà băng ảm đạm.
VPBank (HoSE: VPB) là ngân hàng thứ tư muốn mua lại cổ phiếu quỹ trong năm 2019, sau HDBank (HoSE: HDB) và MB (HoSE: MBB), TPBank (HoSE: TPB).
Giữa tháng 8, HDBank lấy ý kiến cổ đông về việc mua lại không quá 5% vốn, tương đương 49 triệu cổ phiếu, giảm số lượng lưu hành về 932 triệu cổ phiếu. Trên thị trường, thị giá HDB giao dịch quanh 26.250 đồng/cp, giảm 13% so với đầu năm và thấp hơn 17% so với khi niêm yết. Theo giá này, ngân hàng sẽ cần chi hơn 1.280 tỷ đồng nếu mua tối đa 5% vốn.
6 tháng đầu năm, HDBank ghi nhận lãi sau thuế 1.774 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước, nâng lãi lũy kế chưa phân phối lên mức 4.171 tỷ đồng, bên cạnh thặng dư vốn cổ phần hơn 2.042 tỷ đồng và các quỹ dự trữ 1.182 tỷ đồng.
Trước 2 ngân hàng trên, MB và TPBank đã thực hiện xong việc mua lại cổ phiếu quỹ. Giữa tháng 6, TPBank hoàn tất mua lại 24 triệu cổ phiếu quỹ, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 3,5% vốn điều lệ. Ước tính ngân hàng chi gần 627 tỷ đồng cho giao dịch trên, tương đương 26.117 đồng/cp. Cổ phiếu TPB có giá 23.000 đồng/cp phiên 29/8, tăng 15% so với đầu năm, và từng có thời điểm đạt đỉnh ở 25.500 đồng/cp vào tháng 6.
Nguồn: VNDirect. |
MB đầu năm mua hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 108 triệu đơn vị đăng ký. Mục đích giao dịch khi đó, theo ngân hàng, là nhằm tối ưu hoá giá trị dài hạn cho cổ đông. Ước tính ngân hàng đã chi 1.035 tỷ đồng đế mua lượng cổ phiếu trên, với giá bình quân 21.999 đồng/cp. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và nguồn vốn chủ sở hữu khác.
Theo chia sẻ của ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB, với Reuters, ngân hàng sẽ chuyển nhượng 38,9 triệu cổ phiếu quỹ cho đối tác ngoại. Đây là một phần trong kế hoạch bán 7,5% vốn của MB cho nhà đầu tư nước ngoài năm 2019 bên cạnh việc phát hành mới 123 triệu cổ phiếu.
Trong kế hoạch đầu năm được cổ đông thông qua, MB dự kiến sẽ bán 10% vốn cho khối ngoại, trong đó sẽ phát hành riêng lẻ mới 211,4 triệu cổ phần và bán lại 47 triệu cổ phiếu quỹ trong quý III-IV.
Con số 7,5% vốn dự kiến chào bán thấp hơn so với kế hoạch cổ đông thông qua đầu năm (10% vốn) được CEO MB lý giải là "đủ nhu cầu vốn trong 3 năm tới, ngoài ra ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn cấp 2 qua phát hành trái phiếu".
Tính đến phiên 29/8, cổ phiếu MB có giá 23.400 đồng/cp, tăng gần 24% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn 22% so với mức đỉnh tháng 3 năm trước.
Người đồng hành