Loạt nhà băng thoát ám ảnh nợ xấu
Điểm chung của các ngân hàng trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 là việc nỗ lực giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp nhất.
- 14-02-2017Nợ xấu - lỗi tại ai?
- 13-02-20177 khó khăn pháp lý khi xử lý nợ xấu
- 12-02-2017Lực đẩy tái cơ cấu, xử lý nợ xấu
Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu được công bố đã giảm từ mức 2,43% trong năm 2015 xuống còn 2,03% tính đến cuối năm 2016. Còn tại MBBank, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 1,33% tại thời điểm cuối năm 2016, giảm từ 1,61% tại thời điểm cuối 2015.
Trong khi đó, nổi bật trên báo cáo tài chính của Eximbank là chi phí dự phòng giảm 24,05% còn 1.089 tỷ đồng. Cụ thể, 8,67 tỷ đồng là chi phí dự phòng chung, 687,86 tỷ đồng là dự phòng cụ thể, 15,55 tỷ đồng là dự phòng cho vay liên ngân hàng. Trong khi đó, nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) tăng 41% lên 1.132 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý theo báo cáo của Eximbank là 2,95%, giảm đáng kể từ mức đỉnh điểm là 5,30% trong 6 tháng đầu năm 2016. Như vậy, đã có 1.726 tỷ đồng nợ xấu được tái cơ cấu trong 6 tháng cuối năm 2016. So với cuối năm 2015, nợ nhóm 3 tăng 487,93% lên thành 1.069 tỷ đồng, nợ nhóm 4 giảm 39,47% xuống còn 357 tỷ đồng, trong khi nợ nhóm 5 tăng 41,15% lên 1.132 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của ACB, tổng chi phí dự phòng tăng 37,67% lên 1.217 tỷ đồng. Trong đó 768,45 tỷ đồng là trích lập cho nợ xấu và tiền gửi liên ngân hàng (tăng 26,31%) và 449 tỷ đồng trích lập cho trái phiếu VAMC (tăng 62,68%). Tuy nhiên, ACB tính cả chi phí dự phòng trích lập cho trái phiếu doanh nghiệp vào chi phí dự phòng. Theo đó chi phí dự phòng thực tế giảm 7,19% xuống còn 2.034 tỷ đồng. Ngân hàng đã xử lý xóa 537,63 tỷ đồng nợ trong năm 2016, tăng 262,27% so với mức 148,41 tỷ đồng năm 2015.
Tỷ lệ nợ xấu sau khi xử lý chỉ còn 0,87%, theo đó đã có 350,14 tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong năm 2016. Nợ Nhóm 3 tăng 11,08% lên 193,83 tỷ đồng, bằng 0,12% tổng dư nợ, nợ Nhóm 4 giảm 65,96% còn 180,51 tỷ đồng, bằng 0,11% tổng dư nợ; còn nợ Nhóm 5 giảm 1,85% còn 1.046 tỷ đồng, bằng 0,64% tổng dư nợ.
Đáng kể nhất trong việc “dọn dẹp” nợ xấu là Vietcombank khi tỷ lệ nợ xấu là 1,48%, còn 6.836 tỷ đồng với tổng nợ xấu được xử lý từ dự phòng là 4.174,8 tỷ đồng, bằng 0,91% tổng dư nợ, trong đó nợ nhóm 5 là 4.187 tỷ đồng.
Năm 2016, Vietcombank đã trích lập 2.632 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu VAMC và xóa hết trái phiếu VAMC ra khỏi bảng cân đối. Nợ xấu hoán đổi cho VAMC hiện đã quay trở lại VCB và đã được trích lập toàn bộ. Tổng chi phí dự phòng tăng 5,6% so với năm 2015 lên 6.410 tỷ đồng, vượt kế hoạch dự phòng cả năm của Ngân hàng là 6.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietinbank vẫn là ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chỉ 1,02% mặc dù nợ xấu tăng 36,4% lên 6.742,8 tỷ đồng với nợ nhóm 5 tăng 36,6% lên 3.819,6 tỷ đồng. Ngân hàng này cho biết, nợ xấu được xử lý trong năm 2016 là 671 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm 72,8% so với mức 2.464,8 tỷ đồng trong năm 2015.
Cũng theo công bố của Vietinbank, chi phí dự phòng của ngân hàng đã tăng 7,3% lên 5.022,1 tỷ đồng. Một phần lớn là chi phí dự phòng cho vay khách hàng, tổng cộng là 2.983,4 tỷ đồng (giảm 7,95%). Trong đó, 1.078,9 tỷ đồng (tăng 64,6%) là dự phòng chung, do tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2016. Phần còn lại 1.904,6 tỷ đồng (giảm 26,3%) là dự phòng cụ thể. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Vietinbank không có thuyết minh cụ thể của chi phí dự phòng.
Infonet