Loạt ông lớn muốn đầu tư sân bay
Đến nay đã có nhiều tập đoàn tư nhân mong muốn tham gia đầu tư xây dựng và mở rộng cảng hàng không hiện có như Vietjet, IPPG, Sun Group, FLC, T&T...
- 19-03-2022Chưa nhận đủ đất sạch, chủ đầu tư sân bay Long Thành lo chậm tiến độ
- 18-03-2022Đề xuất đầu tư khoảng 4.328 tỷ đồng nâng cấp sân bay Liên Khương
- 16-03-2022Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đầu tư nâng cấp sân bay Phú Quốc
Cuối năm 2021, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
Đây là đề án được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm, không chỉ bởi quy mô vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng hàng không nằm trong danh mục ưu tiên trong vòng 10 năm lên tới 479.606 tỷ đồng, mà còn là cơ hội tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào các nhà ga hành khách, hàng hóa có độ sinh lời cao.
Về phương án đầu tư mở rộng, xây mới các cảng hàng không theo quy hoạch, Bộ GTVT khẳng định ACV vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, nhưng sẽ huy động các nhà đầu tư tư nhân đầu tư tại các sân bay.
Theo đó, tại sân bay nhóm 1 - Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Long Thành, Tân Sơn Nhất, sẽ huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không theo hình thức đầu tư kinh doanh.
Với nhóm 2 - Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, trường hợp Bộ Quốc phòng bàn giao khu bay cho Bộ GTVT hoặc địa phương quản lý, Bộ GTVT đề xuất huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để tham gia dự án.
Hiện tại, sân bay Chu Lai đang nhận được sự quan tâm từ Vietjet. Hãng bay này từng đề xuất đầu tư 20.000 tỷ đồng phát triển Cảng hàng không Chu Lai thành một sân bay trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, đưa Chu Lai thành cơ sở sửa chữa - bảo dưỡng - đại tu (MRO) tàu bay của Việt Nam và khu vực, trung tâm logistics của vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án chưa có tiến triển mới, mặc cho Quảng Nam đã xác định đây là một trong những dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Ngoài sân bay Chu Lai, Vietjet và Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) cũng đang đề xuất đầu tư vào sân bay Tuy Hòa.
Đối với nhóm 3 - Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc và Côn Đảo, Bộ GTVT sẽ chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Trường hợp địa phương không tiếp nhận, Bộ GTVT và ACV tiếp tục thực hiện quản lý, khai thác và đầu tư.
Nhóm này cũng đang được nhiều doanh nghiệp để ý, trong đó phải kể đến Vietjet với sân bay Điện Biên, FLC với cảng hàng không Đồng Hới và IPP với sân bay Phú Quốc.
Đáng chú ý, vào tháng 4/2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý chủ trương để Tập đoàn FLC đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế theo hình thức đối tác công tư PPP. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thêm thông tin gì về dự án này của Tập đoàn FLC.
Đối với nhóm 4 - Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Liên Khương, Cần Thơ, Bộ GTVT cũng sẽ chuyển giao như nhóm 3.
Theo tìm hiểu, hiện chỉ có Vietjet đang muốn đầu tư xây dựng nhà ga hành khách thứ 2 tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.
Nếu dự án được phê duyệt sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng (nhà ga giai đoạn 1 khoảng 3.000 tỷ đồng) trong đó Vietjet đảm bảo 30% tổng mức đầu tư, 70% do Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) làm đầu mối thu xếp vốn.
Hiện Vietjet là hãng hàng không có tỷ trọng khai thác lớn nhất tại Cát Bi với 9 đường bay nội địa và quốc tế và chiếm tỷ trọng khoảng 63% tổng sản lượng khai thác toàn cảng.
Nhóm 5 là các cảng hàng không mới như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu, Cao Bằng, Bộ GTVT kiến nghị huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP. UBND các tỉnh có quy hoạch cảng hàng không là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP chủ động huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
Cuối tháng 10/2021, Thủ tướng đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 6.948 tỷ đồng. Trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.183 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.765 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 1 nhà đầu tư huy động 2.990 tỷ đồng, Nhà nước tham gia 1.193 tỷ đồng, gồm 600 tỷ đồng ngân sách trung ương và 593 tỷ đồng ngân sách địa phương. Giai đoạn 2 nhà đầu tư huy động 1.228 tỷ đồng, vốn nhà nước 1.537 tỷ đồng.
Được biết, Tập đoàn Sun Group đang là doanh nghiệp "đặt chỗ" để tham gia phát triển tại dự án này. Trước đó, Sun Group đã đề xuất mức đầu tư 1.770 tỷ theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị đã được Hội đồng thẩm định liên ngành báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư. Dù chưa chính thức được thông qua nhưng đến thời điểm hiện tại đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm tới dự án này.
Trong số này, có thể kể đến những doanh nghiệp lớn trong nước như Tập đoàn T&T, Vietjet và FLC. Bên cạnh đó còn có cả nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan (Tập đoàn TPI).
Nhà đầu tư