MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt sai phạm cổ phần hóa tại VIVASO

04-03-2023 - 10:15 AM | Doanh nghiệp

Từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP không còn vốn Nhà nước đầu tư và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ảnh Internet

Từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP không còn vốn Nhà nước đầu tư và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ảnh Internet

Sau quá trình cổ phần hóa, VIVASO gắn liền với tên tuổi của doanh nhân sinh năm 1958 Nguyễn Thủy Nguyên.

Ngày 2/3/2023, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO). Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ thời điểm thực hiện cổ phần hóa đến thời điểm đã thoái hết vốn nhà nước tại công ty này.

Cụ thể, tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải, trong đó có việc cổ phần hóa VIVASO.  Từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2016, Bộ Giao thông vận tải thực hiện 2 lần thoái vốn Nhà nước tại VIVASO. Theo đó, từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP không còn vốn Nhà nước đầu tư và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Kết luận thanh tra cho biết trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa VIVASO phải thực hiện xác nhận, đối chiếu công nợ và phải được khách nợ, chủ nợ ký biên bản. Nhưng trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp VIVASO xác nhận, đối chiếu cả những khoản công nợ khi chưa được khách nợ, chủ nợ ký biên bản đối chiếu là vi phạm quy định của Bộ Tài chính.

Cảng Hà Nội không theo dõi khoản công nợ phải thu của Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng trên sổ sách kế toán với số tiền trên 16 tỷ đồng, vi phạm Luật Kế toán; dẫn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn sai mất vốn Nhà nước với số tiền trên 16 tỷ đồng, cần phải được xử lý theo quy định.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc xác định đối chiếu cả những khoản công nợ khi chưa được khách nợ, chủ nợ ký biên bản đối chiếu thuộc trách nhiệm VIVASO; xác định giá trị doanh nghiệp thiếu vốn, mất vốn Nhà nước trên 16 tỷ đồng thuộc trách nhiệm Cảng Hà Nội, VIVASO.

Về việc kiểm kê đối với cảng Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), cảng Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình), Thanh tra Chính phủ cho rằng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án.

Công ty hợp danh Kiểm toán Việt Nam, VIVASO thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, thiếu danh mục cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc (dự án WB6); chưa xử lý dứt điểm tài sản đối với quyền sử dụng đất, vi phạm Thông tư 202/2011 của Bộ Tài chính.

Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng thiếu trách nhiệm không phát hiện hoặc cố tình không báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không thể đồng thời thực hiện cổ phần hóa VIVASO và Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa với việc đầu tư nâng cấp cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc bằng nguồn vốn WB6 (trong khi việc cổ phần hóa VIVASO và việc thực hiện dự án WB6 đều do Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo và quản lý).

Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã tự ý khai thác, sử dụng một phần cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc (trong giai đoạn 2015-2020) là vi phạm Luật Xây dựng, cần phải được cơ quan chức năng xem xét, xử lý, thu về ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận thu được. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra cho rằng khi xem xét cần xét đến các tài sản này đều nằm trên đất do VIVASO quản lý.

Những việc nêu trên đã dẫn đến hậu quả là phương án cổ phần hóa của VIVASO thiếu chính xác, tài sản cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định, nguy cơ lãng phí vốn đầu tư với số tiền gần 135 tỷ đồng khi không đưa vào sử dụng.

"Để xảy ra tồn tại và hậu quả nêu trên thuộc trách nhiệm của Ban quản lý dự án, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện đầu tư xây dựng (không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án); VIVASO, Tổ giúp việc, đơn vị tư vấn, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hóa không đúng quy định", kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Loạt sai phạm cổ phần hóa tại VIVASO - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch VIVASO. Ảnh: Zing.vn

VIVASO tiền thân là Tổng công ty Đường sông miền Bắc được thành lập vào tháng 8/1996 của Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở tách 12 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Cục đường sông Việt Nam (nay là Cục đường thủy Nội địa Việt Nam).

Vào ngày 19/3/2014, VIVASO đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần (tương đương 46% vốn điều lệ). Tuy nhiên, VIVASO chỉ bán ra được hơn nửa triệu cổ phần, với mức đấu giá thành công là 10.000 đồng/cổ phần.

Như Nhadautu.vn đã từng đề cập , số cổ phần còn lại một tuần sau phiên đấu giá đã được Công ty TNHH Liên hợp xây dựng Vạn Cường xin mua hết toàn bộ với số tiền bỏ ra là 140 tỷ đồng. Đến năm 2016, Vạn Cường tiếp tục mua lại toàn bộ 22,42% vốn nhà nước khi Bộ Giao thông Vận tải thoái với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng.

Vạn Cường là công ty được ông Nguyễn Thủy Nguyên thành lập từ năm 1992. Đây là nhà thầu tham gia một số dự án cầu đường lớn của ngành giao thông như quốc lộ 1A, quốc lộ 14.

Sau khi chi hàng trăm tỷ để thâu tóm VIVASO, ông Nguyễn Thủy Nguyên đã trở thành tân Chủ tịch VIVASO và được kế thừa nhiều khu đất vàng của VIVASO gồm các cảng sông lớn nhất miền Bắc như cảng Hà Nội, cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, cảng Hòa Bình, cảng Hà Bắc...và trụ sở VIVASO tại số 158 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội với diện tích gần 800m2.

Sau đó, VIVASO còn chi 32,5 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần của Hãng phim Việt Nam (VFS) vào năm 2016. Ông chủ Vạn Cường thông qua đó nắm thêm quyền tại hàng loạt khu đất vàng với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng như khu đất số 4 Thụy Khuê, với gần 5.450m2 thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội; hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội làm khu chứa đạo cụ; khu đất gần 6.400m2 tại Đông Anh làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim và hơn 1.200m2 tại Quận 1 làm chi nhánh tại TP.HCM.

Ở chi tiết đáng lưu ý, tháng 6/2020, bà Nguyễn Thị Minh Hà (SN 1955) đã thay ông Nguyên giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật tại Vạn Cường. Dù vậy, doanh nhân sinh năm 1958 Nguyễn Thủy Nguyên cho đến cuối năm 2020 vẫn nắm giữ 100% vốn tại đây.

Ngoài ra, doanh nhân sinh năm 1958 Nguyễn Thủy Nguyên nên biết, còn mở rộng quy mô kinh doanh với loạt công ty gồm: CTCP Cảng Vĩnh Long, CTCP Lâm đặc sản Xuất khẩu Quảng Nam, CTCP Dịch vụ vận tải Sài Gòn (STS), CTCP Xây dựng công trình giao thông 61. Riêng tại STS, vào tháng 6/2020, bà Nguyễn Thị Minh Hà cũng đã giữ chức Chủ tịch HĐQT, thay ông Nguyễn Thủy Nguyên.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Trở lên trên