MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’

03-12-2021 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’

Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện tin đồn xung quanh câu chuyện Syngenta ngưng hợp tác với CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) trong việc phân phối hàng hoá. Thực tế đây không phải là tin đồn, đây là sự thật. Syngenta – một trong những công ty thuốc bảo vệ thực vật thuộc Big4 của thế giới sẽ chấm dứt hợp tác với doanh nghiệp của Việt Nam khi kết thúc hợp đồng phân phối vào đầu năm 2022.

Cổ phiếu Lộc Trời ngay lập tức phản ứng trước thông tin trên như một tín hiệu xấu. Thị giá LTG giảm 15% kể từ trung tuần tháng 11. Vốn hoá của Lộc Trời bốc hơi xấp xỉ 560 tỷ đồng, tính trung bình mỗi phiên giao dịch giảm hơn 50 tỷ đồng. Rõ ràng đây là mức thiệt hại đáng kể đối với một công ty như Lộc Trời, vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 2.900 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2021.

Nhưng sự kiện này cũng là một minh chứng khá rõ ràng về bất đối xứng thông tin giữa phía doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trí thức trẻ có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng giám đốc CTCP Lộc Trời xung quanh sự kiện đáng chú ý này. Lộc Trời thực tế là công ty gì? Một công ty bán thuốc bảo vệ thực vật, bán gạo, hay bán một thứ gì khác?

Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 1.

"Phía Syngenta bắt đầu hợp tác với Lộc Trời từ năm 2010, đến năm 2021 thì họ chấm dứt, như vậy là hợp tác giữa hai bên kéo dài gần 11 năm. Thời điểm bắt đầu hợp tác, tại thị trường Việt Nam, Syngenta vẫn còn nhỏ, mà Lộc Trời cũng chưa to. Trong quá trình phát triển, cả hai lớn mạnh cùng nhau", ông Nguyễn Duy Thuận thông tin.

Tuy nhiên, đây không phải là sự chấm dứt đơn phương từ Syngenta. Năm 2019, Lộc Trời và Syngenta đã ký với nhau một hợp đồng thời hạn ba năm, thống nhất việc sẽ ngưng hợp tác khi kết thúc năm 2021. Đương nhiên, cả hai đều đã chuẩn bị cho sự kiện này.

Về cơ cấu, doanh thu của Lộc Trời đến từ ba mảng kinh doanh chính. Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2021, 46% doanh thu Lộc Trời từ lương thực, 42% từ thuốc bảo vệ thực vật và 9% từ hạt giống. Ngoài ra, công ty còn có nguồn doanh thu từ mảng dịch vụ nông nghiệp.


Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 2.

Trên số liệu từ báo cáo tài chính, thuốc bảo vệ thực vật đem về 3.018 tỷ đồng doanh thu cho Lộc Trời trong 3 quý đầu năm 2021. Lợi nhuận gộp đạt 1.016 tỷ đồng, cùng với biên lợi nhuận gộp trên 31%. Chính xác là phần lớn lợi nhuận của Lộc Trời hiện nay đến từ mảng thuốc bảo vệ thực vật, cũng là mảng kinh doanh hiệu quả nhất của công ty.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, doanh thu từ phân phối sản phẩm Syngenta chiếm 30% tổng doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời, tương ứng trên 10% tổng doanh thu hàng năm. Nếu nhìn Lộc Trời với tư cách là một công ty phân phối thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng của sự kiện Syngenta sẽ tương đối đáng kể. Nhưng, Lộc Trời thực chất là một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp.


Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 3.

"Anh em Lộc Trời là những người làm dưới đồng ruộng cùng nông dân, mà hình ảnh nổi tiếng nhất chính là ‘Lực lượng 3 Cùng’. Đó là các kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp đại học chuyên khoa nông lâm. Thậm chí, họ từng được ghi nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2015 là lực lượng khuyến nông lớn nhất Việt Nam (hơn 1.300 kỹ sư nông nghiệp thời điểm đó).

Đội ngũ nhân viên Lộc Trời hiện có khoảng 3.600 người, với hơn 1.200 người là kỹ sư nông nghiệp hàng ngày làm việc trực tiếp với gần 1 triệu hộ nông dân, 90% hoạt động của Lộc Trời nằm ở khu vực nông thôn, nhân sự tại thành phố của Lộc Trời thực ra không đến 200 người.

Thứ hai, diện tích mà Lộc Trời đang chăm sóc về mặt canh tác lên tới 1 triệu ha lúa trải dài theo các vùng đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Có lẽ thiếu sót của chúng tôi là chưa "chăm" nói về tổng thể các hoạt động của chính mình nên đa số mọi người đã quen với cái tên "Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang" vốn được các đối tác, trong đó có Syngenta gắn với các sản phẩm của họ - ông Thuận giải thích.


Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 4.

Khi nhìn đúng bản chất Lộc Trời là công ty gì, chúng ta có thể hiểu hơn về chiến lược kinh doanh mà công ty này đang triển khai.

Đầu tiên, vì sao lại là lương thực?

Ông Thuận giải thích: "Hiện nay Việt Nam có hai loại cây có lợi thế so với thế giới, có thể cạnh tranh quốc tế một cách áp đảo, đó là lúa và ngô. Việt Nam mỗi năm làm ra từ 24 – 26 triệu tấn gạo, trong khi đó tiêu dùng nội địa chỉ khoảng 6 triệu tấn. Về giá thành sản xuất, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia sản xuất lúa gạo không cần trợ cấp của Nhà nước. Chúng ta chiếm khoảng 15% tổng lượng xuất khẩu gạo toàn thế giới, đó là một vị thế  cực kỳ to lớn, do đó gạo là thị trường quan trọng mà Việt Nam nên giữ.

Hơn thế nữa, Lộc Trời đã có những thành tựu rất lớn trong mảng này. Có thể nói những năm gần đây, Lộc Trời bội thu về những công nhận trong và ngoài nước – là Đơn vị xuất khẩu uy tín 3 năm liền (2018-2020) do Bộ Công thương công nhận năm 2021, gạo Lộc Trời đạt tất cả những tiêu chuẩn sản xuất khắt khe nhất thế giới và chiếm 80% lượng gạo xuất khẩu vào EU theo EVFTA 2021, được công nhận là Thương hiệu quốc gia 2020…

Lộc Trời tự hào đã giúp cho Việt Nam có tên trên bản đồ lúa gạo thế giới lần đầu tiên khi gạo LT28 – Thiên Vương của tập đoàn được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2018 và gần đây nhất, với thành tích 2 năm liền đạt điểm tuyệt đối cho 41 tiêu chí của SRP (Subtainable Rice Platform), Lộc Trời trở thành đơn vị duy nhất trên thế giới cho đến nay đạt 100 điểm hoàn hảo, vượt qua tất cả những nước trồng lúa khác.


Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 5.

Tiếp theo mọi người sẽ nói rằng, nhưng biên lợi nhuận ngành gạo mỏng thế thì làm làm gì?

Câu trả lời là biên lợi nhuận ngành gạo không hề mỏng, vấn đề chúng ta chưa khai thác được. Nếu bỏ qua các yếu tố trung gian, chỉ tính đầu vào và đầu ra, biên lãi gộp ngành lúa gạo có thể lên tới hơn 30%, không hề thua kém ngành dược hay ngành sữa.

Bạn hình dung, một hạt lúa khi gieo xuống đất, 123 ngày sau mặt đất sẽ trả lại trên dưới 200 hạt. Nếu xét về tài chính, không có ngành nào sinh lời bằng ngành này. Quan điểm của Lộc Trời là sẽ nỗ lực làm cho biên lãi gộp ngành lúa gạo tăng lên.

Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 6.

Vậy làm sao để có thể khai thác được tối đa phần biên lợi nhuận có thể có của ngành lúa gạo, đó là bài toán được đặt ra. Và theo ông Nguyễn Duy Thuận, điều đó không hề dễ dàng.

"Những người không ở trong ngành nông nghiệp sẽ không hình dung được rằng sản xuất nông nghiệp có tiến độ không khác gì một nhà máy có dây chuyền sản xuất liên tục. Tôi lấy ví dụ, nếu hôm nay thu hoạch, lúa cần được sấy về độ ẩm bằng hoặc thấp hơn 15% ngay trong vòng từ 8 – 16 giờ (tùy giống) để đạt được chất lượng tốt nhất. Tức là thời điểm sấy cần nghiêm ngặt theo từng giờ, chỉ cần trễ một ngày là năng suất giảm, vì lúa mới thu hoạch có độ ẩm cao nên nếu không phơi/sấy kịp thời có thể gây nảy mầm, lên men, nấm bệnh dễ phát triển, dẫn đến thất thoát hậu thu hoạch."

Ông Nguyễn Duy Thuận cho biết, mục tiêu của Lộc Trời là cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế, mà muốn cạnh tranh quốc tế, điều kiện cần là sản phẩm phải đạt chất lượng tốt.

Hiện nay Lộc Trời đang áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp toàn cầu khắt khe nhất: Tiêu chuẩn của Mỹ (FSMA), Anh (BRC); châu Âu (SMETA) và Nhật Bản (JFCRF), đặc biệt áp dụng tiêu chuẩn SRP.

Trong đó, SRP là nền tảng sản xuất lúa gạo bền vững. Đây là tiêu chuẩn được Liên Hợp Quốc đưa ra với kỳ vọng giảm phát thải nhà kính do canh tác lúa theo truyền thống gây ra. Lộc Trời đã đạt SRP trong hai năm liên tục trên 6 mùa vụ và đang hướng đến năm thứ ba. Ông Nguyễn Duy Thuận cho biết, công ty đang ấp ủ, xây dựng và tung ra một chiến dịch lớn, đó là áp dụng SRP cho toàn bộ vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Lộc Trời cũng là đơn vị hiếm hoi ở Việt Nam đạt chuẩn SMETA, chuẩn mực về đạo đức trong kinh doanh của Châu Âu. Ngoài ra, Lộc Trời cũng là một trong 3 công ty được Bộ Nông nghiệp Nhật Bản xác nhận đủ điều kiện sản xuất lúa sang thị trường Nhật.

"Hiện nay, 80% lượng gạo xuất khẩu sang châu Âu theo EVFTA là từ Lộc Trời hoặc các đối tác sử dụng giống của Lộc Trời, do anh em 3 Cùng của Lộc Trời canh tác cùng bà con nông dân", CEO Lộc Trời nói.

Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 7.

Sau khi đạt điều kiện cần, điều kiện đủ để Lộc Trời có thể cạnh tranh quốc tế là triển khai lớn và có mô hình phù hợp. Hiện nay do tính chất sở hữu đất đai là của nông dân, Lộc Trời tiến hành liên kết sản xuất cùng với nông dân. Ông Thuận cho biết Lộc Trời đã tham gia khoảng 80 HTX ở tất cả các vùng miền với quy mô khác nhau từ năm 2005, rút kinh nghiệm và học hỏi để đưa ra mô hình hiệu quả nhất.

"Tới nay, mô hình mà Lộc Trời nghĩ có hiệu quả nhất là liên kết sản xuất liên tục có gắn mã số vùng trồng, dùng QR code để truy xuất nguồn gốc, nền tảng của mô hình này là những đơn hàng gạo từ người mua gạo quốc tế.

Thực ra, người mua gạo quốc tế có hai dạng. Thứ nhất, tôi gọi là ‘những người chộp giật’, họ sẽ canh khi nào Việt Nam thu hoạch rộ, họ sẽ đưa tàu vào mua với giá thấp. Do thu hoạch rộ, mọi người đều tranh nhau bán cho nhanh để thu hồi tiền về, dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá" thường xuyên xảy ra.

Nhóm thứ hai là những người muốn mua ổn định quanh năm và chốt một giá. Đây mới là những người mua mà nông nghiệp Việt Nam cần. Nếu có đầu ra ổn định, việc chính của mình cần làm là tăng hiệu quả, giảm hao hụt trong quá trình canh tác, sản xuất.

Lộc Trời bắt đầu ký các hợp đồng thử nghiệm vào năm 2019, đến nay là năm thứ hai mô hình hình thành và đã đạt được dấu ấn trên thị trường quốc tế. Dù số lượng vẫn còn nhỏ, nhưng đó là con đường đi riêng của Lộc Trời. Chúng tôi đã tạo ra những hợp đồng bán hàng cả năm với một giá".

Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 8.
Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 9.

Chính xác là Lộc Trời lúc này đóng vai trò là một nhà tổ chức sản xuất nông nghiệp. Sau khi ký được các hợp đồng bán hàng giá cố định với khách quốc tế, Lộc Trời hợp tác cùng với bà con nông dân tiến hành sản xuất theo yêu cầu và chia sẻ thành quả.

Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng làm việc với các nhà chuyên môn như Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, các Sở nông nghiệp của các tỉnh nhằm hoạch định mùa vụ và thời gian xuống giống.

Ông Nguyễn Duy Thuận nói: "Khi xuống giống đồng loạt và thu hoạch đồng loạt, nhiều "nút cổ chai" sẽ xuất hiện khiến năng suất giảm do không đủ năng lực xử lý mùa vụ, chất lượng giảm do không kịp thời thu hoạch, vận chuyển, sấy và trữ lúa. Lộc Trời đã cùng với cơ quan nhà nước trong vòng 2 năm qua tìm cách gỡ các nút thắt bằng cách điều hoà kế hoạch sản xuất. Mô hình này được gọi là Lộc Trời 123, một mùa vụ lúa kéo dài 123 ngày. Mô hình này sẽ giúp tối ưu hoá năng suất của đất, thời gian nghỉ của đất, thời gian chống chịu sâu bệnh, thời gian thu hoạch, làm đất, sấy lúa…"

Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam là nơi có "mùa hè vĩnh cửu". Điều kiện thiên nhiên thuận lợi giúp cho đây là khu vực chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Do đó việc tổ chức sản xuất hợp lý để giải quyết các nút thắt có thể giúp nâng cao hiệu quả một cách đáng kể.

Lộc Trời trước kia chỉ thực hiện mua bán lúa gạo như các công ty thương mại thông thường. Nhưng khi quyết tâm xây dựng các vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn quốc tế, Lộc Trời chuyển hoá mô hình kinh doanh của mình thành trồng theo đơn đặt hàng.

"Ai muốn mua gạo mới với chất lượng ổn định thì đặt hàng trước với Lộc Trời một năm. Sau 123 ngày kể từ khi gieo sạ giống, chúng tôi sẽ có lúa, cộng thêm 10 ngày xay xát thành gạo. Người mua gạo sẽ liên tục có gạo mới nhất trên thị trường. Lúc đó mô hình sản xuất của Lộc Trời được gọi là "Just in time", một mô hình hoàn toàn phù hợp với nông nghiệp Việt Nam".

Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 10.

Mô hình này được CEO Lộc Trời cho biết sẽ giảm được hai khâu tích trữ ở sản xuất và tiêu thụ; được các đối tác hào hứng đón nhận.

"Lợi nhuận mảng lúa gạo của Lộc Trời hiện nay tăng từ từ, nguyên nhân chính là do chúng tôi chưa đồng bộ hoá được tất cả các khâu. Mô hình sản xuất của Lộc Trời đã được thiết kế xong, giống như đã ráp được chiếc xe rồi, bây giờ siết ốc để bắt đầu chạy. Bài toán tiếp theo là huy động vốn từ ngân hàng để tiếp tục mở rộng sản xuất".

Ông Nguyễn Duy Thuận mô tả những cánh đồng của Lộc Trời giống như một nhà máy, không có trần, không có tường. Diện tích của nhà máy là 1 triệu ha, hợp tác sản xuất cùng hàng triệu hộ nông dân theo mô hình "Just in time".

Như CEO của Lộc Trời nói, biên lợi nhuận gộp của ngành lúa gạo có thể lên tới hơn 30%, tuy nhiên mảng lúa gạo của công ty hiện nay ghi nhận chỉ số này chỉ từ 2 – 3%.

Khi được hỏi về kế hoạch tăng cường tỷ suất sinh lời mảng lúa gạo của Lộc Trời sẽ được tiến hành như thế nào, ông Thuận trả lời: "Về lý thuyết, biên lợi nhuận có thể nâng ngay nếu như chúng tôi có đủ tiền. Vì biên lợi nhuận tăng thêm không phải do tăng giá bán, giảm giá thành, mà là do hợp lý hoá công tác tổ chức sản xuất, giảm hao hụt, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.

Lộc Trời: Đằng sau sự chấm dứt với Syngenta và mô hình nhà máy 1 triệu ha sản xuất ‘Just in time’ - Ảnh 11.

Đầu tiên, khi có tiền chúng tôi sẽ đầu tư vào máy móc nông nghiệp.

Thứ hai, chúng tôi sẽ vận hành máy móc trên quy mô lớn. Hiện nay, Lộc Trời đang có 16 đội máy vận hành liên tục, chuẩn hoá quy trình máy móc. Khi đội này hoàn thiện, chúng tôi sẽ nhân rộng trên các HTX liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả tức thì cho mỗi ha đất bà con tham gia vào liên kết

Cái cuối cùng còn thiếu là vận động bà con nông dân tin tơởng vào mô hình này Để bà con tin tưởng, đầu tiên Lộc Trời sẽ phải làm đúng trên 150.000 ha  hiện nay đang là vùng nguyên liệu của Lộc Trời. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức cho bà con nông dân tham quan, học hỏi để thấy rằng sẽ thực sự hiệu quả nếu làm theo mô hình liên kết sản xuất với Lộc Trời.

Chúng tôi luôn tin rằng những nỗ lực của toàn bộ đội ngũ Lộc Trời sẽ được nhìn nhận xứng đáng. Sứ mạng "Cùng nông dân phát triển bền vững" đang được thực hiện từng ngày, bằng hành động thực sự chứ không phải chỉ là lời nói. Gần đây nhất, Lộc Trời thực hiện lời hứa không tăng giá vật tư nông nghiệp tại thời điềm cả thị trường tăng trên dưới 30%.

Chặng đường chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nghe từ rất to lớn khó khăn, nhưng có thể bắt đầu chỉ bằng một mô hình sản xuất tối ưu. Với nền tảng tri thức nông nghiệp và năng lực ngày càng mạnh về tổ chức sản xuất lớn, chuỗi giá trị nông nghiệp đầy đủ của Lộc Trời từ hạt giống đến hạt gạo đã dần đồng bộ, phát huy hiệu quả cùng với đội ngũ "bác sĩ cây trồng" giỏi chuyên môn, "kê toa trị bệnh" có tâm đồng hành mỗi ngày cùng bà con nông dân."


Bạch Mộc
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Bạch Mộc

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên