MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời bạn nói: "Người nào sống nhờ lương là người kém trong xã hội" nhưng tôi tôn trọng những người nghiêm túc làm việc, thu nhập chính đáng

18-04-2020 - 09:17 AM | Sống

Tôi rất kính trọng những người làm việc nghiêm túc để tạo ra giá trị cho xã hội; còn tư tưởng nhòm ngó "ghế" này, vị trí kia chỉ để "ngồi" và có khoản thu nhập ngầm thì tôi nghĩ những người đó sẽ sớm bị đào thải khỏi xã hội.

Tôi vừa lắng nghe câu chuyện của hai bạn đồng nghiệp. Một người đưa ra chủ đề "người ta thường nói những người sống trong xã hội mà sống nhờ lương là người thấp kém, kém về năng lực".

Người kia hỏi lại: "Ủa chớ người ta không sống nhờ lương thì sống nhờ vào gì, hàng tháng không đợi tin lương về thì tiền đâu tiêu?" liền nhận được câu trả lời "Thì người ta sống nhờ lậu, sống nhờ vào thu nhập khác như tiền đầu tư, tiền cho thuê nhà, tiền cho thuê cửa hàng. Đặc biệt là công chức, người ta có nhiều khoản thu nhập ngầm lắm, lương để cuối năm mới rút ra."

Nếu một người mà có khoản tích luỹ rồi đầu tư vào lĩnh vực này lĩnh vực kia, hàng tháng có thêm thu nhập thì quá tốt rồi. Nhưng bà chị kia đang đứng trên một khía cạnh khác: chị đang muốn nói đến thu nhập chìm, nó hơn gấp nhiều lần so với lương hàng tháng, số tiền mà nghĩ có vẻ sung sướng vì làm ít nhưng thu nhập cao, tiền đó đến từ địa vị, sự luồn cúi.

Lời bạn nói: Người nào sống nhờ lương là người kém trong xã hội nhưng tôi tôn trọng những người nghiêm túc làm việc, thu nhập chính đáng - Ảnh 1.

Nghĩ lại, cách đây vài năm lúc còn làm Supply chain, tôi luôn mơ ước được đảm nhiệm mấy vị trí Manager ở các doanh nghiệp nước ngoài như Accouting manager, Operation Manager, Inventory Manager vì lương ở mấy vị trí này có lúc lên tới 5000 USD/tháng, còn thường rơi vào tầm 3000 USD.

Nhưng càng lúc tôi càng hiểu rõ hơn công việc và áp lực của các vị trí này: quả đúng là "thuyền to sóng lớn", lúc làm việc thì người ta bỏ toàn tâm toàn ý vào công việc, không có một phút giây nào nghỉ ngơi, mà muốn nghỉ ngơi cũng không được vì lưu lượng công việc rất lớn, việc này dồn qua việc khác. Muốn làm tốt những công việc này, người ta phải rất giỏi, giỏi về chuyên môn, về kỹ năng ngoại ngữ, sắp xếp công việc, đối nhân xử thế, và còn phải được trui rèn, chịu "bầm dập" nhiều năm trong các doanh nghiệp nước ngoài.

Hơn nữa, đối với những người đảm nhiệm vị trí này, làm thêm giờ, tăng ca là điều thường xuyên. Có người ngày nào cũng làm việc 10-12 tiếng, sau đó tiếp tục tăng ca vì lỗi sản xuất, đổi quy trình; họp hành thì thường xuyên ngoài giờ, 1 lần họp 4-5 tiếng là bình thường, hoặc họp xuyên châu lục, lệch múi giờ, và có khi họp với CEO tổng vào buổi đêm.

Vậy đấy, thu nhập của họ cao là điều tất nhiên và những người này họ không nhờ vào lương hàng tháng (mà khoản lương này phải trả thuế TNCN) để sống, để chi tiêu thì nhờ vào cái gì. Hoặc có thể nói lương là nguồn thu nhập chính của họ. Cho nên tôi rất kính trọng những người làm việc nghiêm túc để tạo ra giá trị cho xã hội; đâu đó vẫn còn tư tưởng nhòm ngó "ghế" này, vị trí kia chỉ để "ngồi" và có khoản thu nhập ngầm thì tôi nghĩ những người đó sẽ sớm bị đào thải khỏi xã hội.

Lời bạn nói: Người nào sống nhờ lương là người kém trong xã hội nhưng tôi tôn trọng những người nghiêm túc làm việc, thu nhập chính đáng - Ảnh 2.

Tư tưởng như trên là tư tưởng an phận, ổn định nhưng theo cá nhân tôi nghĩ đâu đó nó thể hiện sự ích kỷ trong đó. Thế hệ ông cha mình cho rằng công việc ổn định là tốt, là chân lý nhưng thời thế ngày càng thay đổi, chúng ta biết cái gì là ổn định trong cái thế giới đầy biến động này.

Qua một thời gian dài cả thế giới chiến đấu với Covid-19, hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống đều bị ảnh hưởng. Giai đoạn này là giai đoạn rất khó khăn với nhiều người, nhưng qua giai đoạn này nó giúp cho chúng ta biết rằng thế giới này luôn thay đổi và không có gì tồn tại mãi mãi. Vì vậy, muốn tồn tại trước nghịch cảnh hoặc một sự kiện bất lợi bất ngờ xảy tới (Black Swan), giữa một xã hội đầy biến động này thì tôi nghĩ chỉ hai từ là phù hợp nhất đó là "adaptation" (Thích nghi) và "evolvement" (Tiến hoá).

Muốn thích nghi thì cần phải có thời gian. Lâm vào nghịch cảnh hay hoàn cảnh khó khăn, ta phải quan sát nó, cảm nhận nó, để hiểu tình trạng của mình bây giờ, để hiểu rõ mình có thế mạnh và điểm yếu gì. Sau đó mới tiến hoá, khắc phục điểm yếu và trau dồi điểm mạnh. Tuy nhiên, không được chủ quan "ngủ quên trên chiến thắng" mà phải rèn giũa để nghịch cảnh, biến động có đến thì chúng ta vẫn sẽ thích nghi và phản ứng nhanh hơn, cơ hội sống sót sẽ nhiều hơn.

Theo Stephen Le

Báo Dân sinh

Trở lên trên